Chương 19
Đám Ngọc Bình hiển nhiên không có gan thốt ra câu đề nghị đi gặp phúc tấn ngay, đành phải tạm rời chỗ Trang ma ma để quay về tìm giải pháp. Vì lập trường của Lý cách cách và phúc tấn vốn khác biệt, hơn nữa chủ tử của họ lại cực kỳ được sủng, nên họ chẳng dám tin rằng phúc tấn không có một tí ti khúc mắc nào với chủ tử nhà mình.Chuyện sen bát bảo lớn không lớn, nhưng nhỏ thì chưa chắc đã nhỏ. Đồ a ca thưởng riêng cho lại không biết chăm nom giữ gìn, thì đầu tiên nhà ngươi sẽ bị khép vào tội bất kính, tội lười biếng hay cẩu thả nghe còn êm tai chán. Chuyện gì xảy ra cũng sợ phải tìm rõ ngọn ngành, sợ hơn nữa là vạch lá tìm sâu. Mà kể cả là, họa chăng cách cách sẽ vô sự, nhưng ai biết được đám kẻ hầu người hạ này có yên thân nổi không? Lòng dạ Ngọc Bình nặng trĩu, về tiểu viện hỏi Lý Vi lần nữa, nàng lại thoải mái bảo: "Thì đi hỏi ý phúc tấn vậy." Thấy mặt mũi Ngọc Bình xám xịt, bèn trấn an nàng ta: "Tí việc cỏn con đấy, có nhẽ chính phúc tấn cũng chẳng tự đi nghe ngóng thăm hỏi đâu mà. Chắc chỉ cần một ma ma hoặc một tên hầu cận là cho ngươi đi được rồi." Lời an ủi của nàng không ăn thua gì với Ngọc Bình, nhưng sự đã đến nỗi này, có kéo dài nữa cũng không thể chữa sen lành lặn được. Về lấy hết can đảm, Ngọc Bình mới mon men sang chính viện. Bên này, tiễn bước đám Ngọc Bình đi, Trang ma ma cũng quẳng luôn chuyện ra sau đầu. Các bà tuy được Nội vụ phủ phân công sang đây, không tinh tường nhiều những chuyện trong cung, nhưng kể từ khi biết mình sẽ được chuyển đến phủ Tứ a ca, thì cũng dốc hết sức tìm hiểu từng kiểu người sống trong viện của chàng. Phúc tấn dẫu không được sủng ái, nhưng các bà lại không hề cảm thấy nàng chủ tử này là một người dễ qua mắt, dễ hầu hạ. Dành cả đời cung phụng đủ mọi kiểu chủ tử, các bà hiểu rõ nhất rằng chủ tử không được sủng mới chính là người khó hầu nhất - bởi người được sủng thì đã trút hết tâm trí vào việc tranh sủng, củng cố những sủng ái mình có mất rồi, đâu rảnh so bì với các bà làm chi, mà trái lại sẽ tương đối dễ hầu. Ngoài phúc tấn là người mà các bà phải lên tinh thần hết sức để chăm chút hầu hạ, thì nàng Lý cách cách trong viện này cũng không phải dạng có thể lơ là, coi khinh. Nghe bảo cách cách này từ sau khi vào A Ca Sở đã giữ khư khư Tứ a ca bên mình, phúc tấn vào phủ rồi cũng chẳng thể nào tách a ca ra khỏi bàn tay nàng ta dù chỉ là một chút. Cứ hay bảo chuyện trong cung đa đoan lắm mối, nhưng trong phủ này có mỗi mình nàng ta là ở gần a ca nhất, nghe đâu đến cả giàn nho trong viện của nàng ta đấy cũng do Tứ a ca đích thân chọn cho; hiện giờ hằng ngày hễ đến giờ cơm, nàng ta đều gọi bữa ở thiện phòng bên thư phòng của a ca luôn. Nàng chủ tử này ấy hả, phải nói chỉ cần nàng ta hắt xì một cái thôi, thì ấy cũng hóa chuyện to bằng trời. Ban nãy Trang ma ma đùn đẩy vấn đề sang chỗ phúc tấn, cái nhất là muốn tìm người hỏi xem có phải những việc ở, việc ăn, việc dùng có chỗ nào làm Lý cách cách thấy không ưng ý hay chăng, mà mới muốn ra ngoài đi mua. Thứ đến, bà ta muốn tìm xin ý kiến của đại ma ma.Khi Ngọc Bình về dạo hết một vòng xong lại sang chính viện, đại ma ma và Trang ma ma đã hay tin trước đó Triệu Toàn Bảo có tới hoa viên, hỏi người trông ao sen cách làm sao cứu được sen bát đang ngắc ngoải hấp hối. Các bà không biết chuyện bên thư phòng, chỉ đành đoán mò. Trang ma ma nói: "Chủ tử ấy muốn nuôi sen bát à? Chê hoa trong phòng xấu xí hay sao?" Lý cách cách trong ấn tượng của đại ma ma vốn là người ham gây thị phi, được Tứ a ca sủng ái đã rất dễ thu hút sự chú ý của người ngoài, vậy mà còn không biết yên phận. Bà ta nói: "Chắc là thế rồi. Hoặc chăng cách cách vốn dĩ muốn nuôi sen bát, mà người trong phòng chăm nom đểnh đoảng quá, mới muốn mua một chậu khác về." May không phải chuyện gì ghê gớm. Trang ma ma thở phào, lỗi sơ suất này không đổ xuống đầu các bà là được. Buông bỏ gánh nặng, bà ta cao hứng đùa trêu, nói: "Chung quy cách cách vẫn còn trẻ, yêu hoa mến cỏ thế thôi." Qua đôi năm nữa là lại phải tập trung toàn lực vào thứ khác rồi. Đại ma ma và Trang ma ma đều không định vương vào chuyện này. Bên kia, Ngọc Bình đến chính viện, dĩ nhiên phúc tấn chẳng nhàn rỗi mà gặp nàng ta, thực tế thì nàng ta vừa đến là đã được dẫn tới ngay chỗ Phúc ma ma - làm thế là bởi vẫn đang nể vì Lý cách cách được sủng ái, chứ không Ngọc Bình đã bị bốn đại a đầu đuổi thẳng cổ rồi. Ngọc Bình được học quy củ phép tắc trong cung, nên Phúc ma ma nghiễm nhiên không thể bắt bẻ điểm nào. Được đà, nàng ta trình bày lại trôi chảy ngọn ngành đầu đuôi, không hề khiến Phúc ma ma thấy phản cảm ở đâu. Phúc ma ma dầu sao cũng là kẻ hầu phủ Ô Lạp Na Lạp ngoài cung, ở trong phủ đừng nói tiểu thiếp của lão gia còn được sai người đem đồ ra ngoài, mà chỉ cần là một con a đầu được ưu ái tí thôi, cũng đã có thể nhờ tên trông cửa mang khăn tay, son thoa về cho mình rồi. Thế là thay mặt phúc tấn, bà ta bèn đồng ý dứt khoát chuyện này. Ôm nỗi phấp phỏng bất an đến đây, Ngọc Bình ngờ đâu chuyện lại trót lọt dễ như trở bàn tay thế này! Bước chân quay về nhẹ nhõm như thiếu điều tung bay, nàng ta về bàn bạc với Triệu Toàn Bảo, rồi hai người quyết định để Triệu Toàn Bảo đi, cầm theo mười lạng bạc, mua được thì mua thêm mấy cây sen nữa về. Buổi chiều Triệu Toàn Bảo đã theo chân tên gác cổng cầm thẻ bài ra ngoài, tên này còn sắp riêng cho một cỗ xe. Vì Triệu Toàn Bảo không hề nói là đi mua sen bát, mà chỉ bảo mua những thứ đồ đàng hoàng như sách này giấy nọ bút mực kia. Tất nhiên, sau chót tiện thể mua luôn sen bát là được. Sau khi về, ngoài bát sen mới toanh, còn có thêm mười mấy cuốn thoại bản Triệu Toàn Bảo lựa được. Hắn không dám mua linh tinh, dù được Lý Vi dặn mua dăm cuốn về - vì nàng nghĩ nàng bây giờ đâu còn là tiểu thư khuê các, được đọc thoại bản rồi đây chứ - hắn vẫn phải kiêng dè đôi chút, nên chỉ nhằm những kịch bản đã nghe nhiều đến thuộc mà mua. Hắn nghĩ trong cung thường hay nghe kịch xem kịch, kịch bản này chắc là không sao. Có kịch bản đọc, Lý Vi quên khuấy đi luôn chuyện sen bát. Chỉ có Triệu Toàn Bảo và Ngọc Bình theo dõi sít sao mỗi ngày, vậy nhưng từng ngày trôi qua, sen vẫn dần dần héo rụi. Tình hình cứ tiếp diễn hoài như thế, Triệu Toàn Bảo và Ngọc Bình bắt đầu hoài nghi không biết liệu có phải trục trặc ở đâu hay không, tỷ như là phong thủy, tỷ như là chỗ này chỗ kia...Nước có vấn đề thì còn xử lý được, vì trong chậu ngoài hoa ra còn có cá, nhưng cá không thấy chết con nào, mà lại đều mạnh khỏe hoạt bát lắm, nom con nào con nấy cũng bụ mình. Cực chẳng đã, Ngọc Bình đành vớt mấy con ra bỏ nuôi trong một cái ang. "Nghe đâu căn nhà này có hơn một trăm năm rồi..." Ngọc Bình run giọng bảo. Triệu Toàn Bảo cũng đâm lo. Hai người bàn với nhau vẫn phải tiếp tục nuôi sen bát này, một nhằm để tránh làm cách cách sợ, hai là nghe người ta bảo thứ này chắn được hung thần, biết đâu chừng sen bát héo khô chính tại vì ngăn họa cho cách cách thì sao? "Ừ nhỉ, đồ a ca tặng cốt để bảo vệ cách cách nhà ta chứ còn sao?" Ngọc Bình chắp hai tay niệm một câu Phật. Vậy là sen bát được nuôi luôn bằng kiểu đấy, nhưng hễ khô là phải nhanh chóng vứt ngay. Sau đó, cứ qua một thời gian là Triệu Toàn Bảo lại viện cớ ra ngoài một lần. Hiển nhiên không thể lấy cách cách ra làm lá chắn mãi được, bấy giờ hắn bèn dệt cớ rằng Ngọc Bình muốn đem tin về cho người nhà nàng ta. "Nói ngạch nương cô ngã bệnh à?" Triệu Toàn Bảo hỏi. "Nói a mã tôi bị bệnh đi, bệnh sắp chết đến nơi rồi." Ngọc Bình nói. Lão già đốn mạt kia có chết vạn lần cũng chẳng bõ. Vậy là Triệu Toàn Bảo lại ra ngoài. Lần này không thông qua chỗ phúc tấn, mà là tìm Trang ma ma trình chuyện nhà Ngọc Bình, bảo rằng lần trước lúc ra hắn có cất công đi dò la một chuyến, lúc về hỏi ý Ngọc Bình, lần này đi lại muốn hắn giúp đem tin tức về nhà. Cũng thường hay có người ở trong cung ra muốn thăm người nhà, nên Trang ma ma chấp thuận ngay luôn. Nhưng lần này hắn không thể thích ra lúc nào là ra được nữa, mà phải chờ đến mười lăm, hôm ấy trong phủ sẽ cho những ai muốn đưa tin về nhà ra ngoài một lượt. Dĩ nhiên cũng có hạn chế số lượng, không thì thả một hơi bốn, năm chục người ra, để trong phủ hết luôn người làm việc hay sao? Nhưng vì thể diện của Lý cách cách, Triệu Toàn Bảo bèn bất chấp chen lượt, người còn lại đành đợi tiếp đến mười lăm tháng sau. Chỉ một khoảng thời gian ngắn ngủi mà thái giám đứng đầu viện Lý cách cách ra ngoài những hai lần, Trương Đức Thắng bên thư phòng đã để mắt tới, cậu ta lập tức báo cho Tô Bồi Thịnh. Tô Bồi Thịnh không dám xem nhẹ, chuyện này có hai khả năng: một là tên thái giám này ra ngoài được ít lâu đã bung lụa quên lối về, mượn danh chủ tử để thỏa thú buông tuồng sau lưng. Với phương pháp quản lý của Lý cách cách mà nói, e là rất có khả năng, giả nàng không được sủng, có khi hạ nhân đã sớm quậy tung trời. Nhưng thái giám vô căn, đi theo Lý cách cách thì về sau Triệu Toàn Bảo vẫn còn con đường sống, không biết hắn âm mưu gì mà giở trò sau lưng Lý cách cách nữa? Nom tiểu tử đâu có dốt cỡ vậy. Cái thứ hai: xem chừng bên chỗ Lý cách cách xảy ra chuyện thật. Nhưng cũng khó nói, thế cho nên người dưới mới tự mình nghĩ cách. Cả hai khả năng này đều có dính đến Triệu Toàn Bảo. Tô Bồi Thịnh thẳng thừng sai người đi lôi hắn sang đây, trói vào trong nhà đựng củi của thiện phòng nằm phía sau thư phòng. Trước hết Tô Bồi Thịnh cho người phạt hắn mấy gậy gọi là khuyên răn, kế đó mới sai Trương Đức Thắng đi hỏi. Ban đầu Triệu Toàn Bảo còn khăng khăng nói là đi đưa tin nhân tiện thăm người nhà thay Ngọc Bình. Tô Bồi Thịnh bèn dặn trời tối canh lúc Lý cách cách nghỉ ngơi, thì đưa luôn Ngọc Bình ra đây. Hai người chia nhau tra hỏi, song chúng đều khẳng định rằng là đến nhà Ngọc Bình. Ngọc Bình van nài, bảo mình nhớ mong người nhà mà vi phạm quy củ, những xin gia gia tha cho Triệu Toàn Bảo, phạt mình nàng ta thôi là được rồi. Không hỏi ra được nguyên do, Tô Bồi Thịnh một mặt cho người hỏi tiếp, một mặt đi báo với Tứ a ca. Mấy hôm nay Tứ a ca cũng đang định đi thăm Lý thị, vừa nghe thế liền cau mày, quẳng cái khăn lau tay, hỏi: "Đã hỏi ra được chưa?" Tô Bồi Thịnh lắc đầu: "Hai kẻ này tuy không ương ngạnh quá, nhưng miệng mồm thì kín lắm." "Hừ." Tứ a ca ngồi xuống bưng chén trà, "Dẫn vào đây." Tô Bồi Thịnh trở ra gọi người đưa Ngọc Bình và Triệu Toàn Bảo vào. Vì nếu không có chuyện gì thì lại còn phải thả họ về hầu hạ chủ tử, nên khi đánh chỉ để gậy đánh vào những chỗ không nhìn thấy. Lúc vào, nom mình mẩy hai người cũng sạch sẽ chỉnh tề, chỉ có mặt là hơi tái. Vừa trông thấy Tứ a ca, đã nhũn chân quỳ sụp xuống, Ngọc Bình nhát gan hơn, quỳ rạp dưới đất, nước mắt giàn giụa, không dám lau mà cũng chẳng dám ngẩng đầu, sợ chủ tử nhìn đâm thấy ghét. Tô Bồi Thịnh dọa dẫm: "Trước mặt Tứ gia còn dám giấu nữa à? Hết muốn sống rồi phỏng?" Tứ a ca ngưng tay, thấy hai người đã sợ mất mật, đoạn bỏ chén trà xuống bảo: "Ai nói trước?" Triệu Toàn Bảo và Ngọc Bình liếc nhau, Ngọc Bình dập đầu, áp mặt xuống đất hít vào một hơi sâu, cố hết sức nói cho rõ ràng rành mạch. "Sen bát Tứ a ca tặng cho, cách cách rất yêu, suốt ngày ngắm không biết chán, còn vẽ ra bao nhiêu tranh. Tranh nào vẽ hỏng cách cách đều vứt cả, lại mê mải vẽ liền mấy hôm." Ngọc Bình giở mánh, nhắc cách cách ở đây có khi lại được Tứ a ca tha cho một mạng cũng chưa biết chừng. Triệu Toàn Bảo làm chứng: "Cách cách rất thích sen ấy, còn sai nô tài thả vài con cá vào, đặt trong phòng ngắm chơi." Cá à? Tứ a ca nghĩ bụng: Chậu sứ kia rất nông, thả cá vào thì nuôi kiểu gì? Không thành một mớ lẫn lộn à? Muốn nuôi cá phải đổi sang ang sâu mới đúng. Ngọc Bình nói tiếp: "Ngờ đâu mới có ít ngày, lá sen ấy đã... đã khô." Triệu Toàn Bảo vội đỡ lời: "Nô tài còn cho người trông ao sen trong vườn xem thử, bảo rễ hỏng rồi, chữa không đặng." Tứ a ca đã đoán ra đại khái. Đến cả Tô Bồi Thịnh đứng cạnh và Trương Đức Thắng trông ngoài rèm cửa cũng biết được nguyên nhân. Tứ a ca bưng chén trà lên uống, thật là... Tô Bồi Thịnh bước qua châm thêm trà, sau khi gỡ bỏ mối nghi, hắn bắt đầu đồng cảm với Triệu Toàn Bảo. Tí chuyện đấy thôi cùng rùm beng lên. Tiếp sau Ngọc Bình và Triệu Toàn Bảo tôi một câu, anh một câu khai lại toàn bộ câu chuyện ra ngoài mua sen bát, nhưng mua về hoa lại khô tiếp, nghe thực là trăm ngàn đắng cay. Tuy vậy, hai người không dám hó hé gì về việc nghi ngờ phong thủy trong viện không tốt hay có âm khí vất vưởng. Nói ra là mất mạng thật đấy. Ngọc Bình hãy chưa thôi khóc: "Sen bát kia là quà thưởng của Tứ gia, cách cách mến thích không để đâu cho hết. Chúng nô tỳ không dám nói, đành nghĩ cách ra ngoài mua." Nghe nàng ta nói xong, Tứ a ca đứng dậy bỏ qua hai kẻ đương quỳ dưới đất, bước luôn ra ngoài. Tô Bồi Thịnh chạy theo sau, Trương Đức Thắng mới đi vào gọi người đỡ hai người kia lên, đưa sang phòng góc bên cạnh, không trói lại nữa, còn dặn lấy thuốc đến xem xét vết thương cho. Qua một phen thoát thân khỏi đường chết, tuy cả hai vẫn chưa kéo được hồn vía về, song cũng biết phải nhanh chóng tạ ơn Trương Đức Thắng. Bất kể người này trước đó có đánh họ hay không, thì bây giờ cũng phải dốc lòng mà cảm tạ. "Được rồi, được rồi. Thôi khỏi phải ơn nghĩa gì tôi, hẵng bình tĩnh lại. Hai người đấy, đúng là số may." Tuy để hư hỏng đồ chủ tử thưởng không phải tội lỗi tày trời gì, nhưng hai người này quậy một trận cũng ra trò đấy. Coi ý Tứ a ca, chắc sẽ không phạt nặng. Trương Đức Thắng thấy hơi ghen tị. Tuy cậu ta hầu Tứ a ca, nhưng nếu phạm sai lầm gì, sư phụ Tô Bồi Thịnh nhất định sẽ phạt cậu ta gấp bội. Ngay Tứ a ca thấy, cũng chẳng có vẻ gì là mềm lòng mà tha cho. Dùng thuốc xong, hai người kia được Trương Đức Thắng sai người hộ tống về tiểu viện của Lý cách cách. Hôm sau, Lý Vi vừa dùng xong bữa sáng, Trương Đức Thắng đã sang cười tít mắt bảo: "Xin thỉnh an Lý chủ tử, chúng nô tài muốn mời Triệu Toàn Bảo và Ngọc Bình cô nương cùng đi một chuyến." Mặt Lý Vi thoắt cái trắng bệch. Nói sao thì cũng đã sống trong cung hai năm trời, biết nghe hiểu ý ẩn trong lời rồi. Mặt nàng tái đi song không dám hỏi nhiều, chỉ đưa mắt làm hiệu cho Ngọc Trản, Ngọc Trản nhanh chân đi lấy một hà bao đựng bạc lại, Lý Vi tự tay đưa cho Trương Đức Thắng: "Am Đạt* cầm cho." *Am Đạt: một kiểu gọi bạn trong tiếng Mãn. "Không dám nhận, không dám nhận." Trương Đức Thắng liên tục cúi lạy, đoạn cũng nhận lấy cái hà bao. Trông mặt mày vị chủ tử này trắng nhợt cả ra, không nhận khéo lại có chuyện. Thấy cậu ta nhận hà bao, Lý Vi mới khẽ thở hắt một hơi, nói: "Không dám hỏi Am Đạt dẫn chúng đi làm gì, nhưng nếu có tiện, mong Am Đạt hãy chiếu cố cho chúng đôi phần. Ta ở đây xin làm phiền Am Đạt." Dứt lời liền nhún người một cái nhẹ. Trương Đức Thắng vội nghiêng người tránh đi. Bị gọi ra ngoài đứng, Triệu Toàn Bảo và Ngọc Bình thấy trong kia Lý Vi hết kéo Trương Đức Thắng tới nói chuyện, rồi lại nhét bạc cho, rồi thì lại hạ mình xin nhờ vả, làm cả hai người đều hơi hơi xúc động. Triệu Toàn Bảo nghĩ bụng: Không uổng công tối qua cắn răng cắn lợi không bán đứng chủ tử. Ngọc Bình cũng yên tâm hơn chút, nghĩ chắc lát nữa bị đánh sẽ nhẹ nhàng hơn. Trương Đức Thắng đưa người đến chỗ cổng chính nằm giữa nội viện và tiền viện, đặt hai người lên băng ghế dài đã chuẩn bị sẵn, thưởng cho mỗi người hai mươi gậy. Lý do được dùng giải thích cho trận đòn này không can hệ gì đến sen bát, mà là Ngọc Bình nhớ nhà, Triệu Toàn Bảo vì truyền tin về nhà giúp nàng ta nên đã mượn cớ làm việc cho chủ tử để giải quyết chuyện riêng, người ta điều tra ra mới bị thưởng gậy. Sau trận phạt ấy, đám hạ nhân mới chớm rục rịch nhộn nhạo vì chuyện ra cung dạo gần đây bỗng như bị giội một thùng nước lạnh, nhất loạt cụp đuôi biết điều hơn hẳn. Cho đánh xong, Trương Đức Thắng lại ân cần đưa người về. Chỉ chốc lát sau, Trang ma ma đã đưa thuốc sang, đủ đầy cả thuốc đắp lẫn thuốc uống. Thấy hai người không bị đánh nặng quá, Lý Vi cũng an tâm được nửa. Nàng cắt bốn đứa hầu bé mới đến qua đây chăm sóc, dặn chúng phải nhớ đút thuốc đút cơm đút nước cho hai người. Còn về những chuyện trong tay Ngọc Bình, tạm thời sẽ giao cho Ngọc Trản và Ngọc Yên trông coi. Hạ nhân bị đánh, nhẽ ra Lý Vi phải lấy làm nhục nhã hay là sợ hãi. Nhưng nàng lại không thấy cả hai. Một mặt vì Tứ a ca là nhân vật trứ danh trong truyền thuyết, Lý Vi phong chàng lên hàng nam thần lòng mình cũng không ngoa. Vị gia này bỗng dưng đánh Triệu Toàn Bảo và Ngọc Bình, ắt sẽ có nguyên do. Mặt khác, nàng cũng nghĩ liệu có phải liên quan đến sen bát hay không. Nhưng ý nghĩ này chỉ vừa manh mún trong đầu đã bị nàng gạt phắt ngay đi. Kể từ lần đầu nàng gặp Tứ a ca tới nay cũng sắp được hai năm, Tứ a ca chắc chắn không phải hạng người bụng dạ hẹp hòi. Việc chăm sen để hỏng không sao đáng bị đánh hai chục gậy được. Thế thì đúng thật như Trương Đức Thắng nói, vì chuyện sen bát mà Ngọc Bình và Triệu Toàn Bảo ý đồ ra phủ những hai lần. Do ở phủ gác cửa rất nghiêm, nên xử khắt khe hơn cũng đúng, đây mới giống như là chuyện làm Tứ a ca bực. Sau khi tự nghĩ thông tỏ, Lý Vi bèn đi an ủi Triệu Toàn Bảo và Ngọc Bình, thở dài: "Tại ta không liệu tới, cứ ngỡ không có gì to tát lắm, ngờ đâu để các ngươi chịu trận đòn này." Làm một hạ nhân, bị đánh đòn là chuyện bình thường, đây gần như đã được xếp vào hàng kỹ năng cơ bản. Triệu Toàn Bảo và Ngọc Bình là hai người tài trong số đám thái giám cung nữ, việc bị đánh không tạo thành bất cứ áp lực tâm lý gì cho họ, chỉ cần bị đánh xong chủ tử đừng gạt họ qua một bên là được. Thấy Lý Vi đã đến thăm còn trấn an mình, lại cảm thấy lòng nhẹ đi hẳn. Trong phủ này Lý cách cách ít nhiều gì cũng được xem như nhân vật có tên có tuổi, cùng một lúc mà những hai kẻ hầu ở viện nàng đều bị đánh, nên chưa đến tối sự việc đã lan đi khắp phủ. Trong chính viện, nhân khi rỗi Phúc ma ma nói lại chuyện này, bà ta đương nghĩ có cần thừa cơ này cho Lý cách cách một bài học nữa không? Hạ nhân phạm sai, tất tại chủ tử quản giáo không nghiêm. "Người cũng phải lập uy chứ." Phúc ma ma buồn bã. Người của phủ đệ mới toàn của Nội vụ phủ đưa tới, chưa nói láu cá ra sao, nhưng thật kẻ nào cũng thiếu đi một đôi phần khuôn phép so với người trong cung. Trong cung, dẫu ai nấy đều biết Lý cách cách được sủng ái hơn phúc tấn, song lại không ai dám tỏ thái độ ơ hờ với phúc tấn ra mặt. Còn ở đây, phúc ma ma nhận ra một số nơi đã có dấu hiệu dửng dưng trước lời phúc tấn nói. Càng đừng kể đến bốn ma ma mới lập trong nội viện. Đại ma ma thì thôi không cần nhắc, còn ba bà ma ma còn lại kia, tự dưng ở đâu ra rồi làm xáo trộn mọi trù tính ban đầu của phúc tấn hết cả. Chỉ riêng Phúc ma ma thôi, nay ra ngoài rồi mà lại còn không dám ăn to nói lớn như hồi trong cung nữa. Phúc tấn cũng có ý vậy, muốn đàn áp uy phong thì cũng chỉ đàn áp được Tống thị đã sinh tiểu cách cách và Lý cách cách được sủng ái. Nhưng Tống thị từ khi dọn vào đây đã ở lại chỗ nàng, tiểu cách cách thì được nuôi ngay bên chái Tây viện nàng. Để Tống cách cách làm gà rồi giết gà dọa khỉ, khó tránh làm người ta thấy như là tự đánh người nhà mình. Còn Lý cách cách... Phúc tấn thầm thở dài, nếu ở trong cung, nàng còn áp chế được ít nhiều; thế mà sau khi ra ngoài, bỗng phát hiện không sao làm gì nổi. Nếu cố dùng vài mánh khóe nhỏ, lại vẻ như phúc tấn nàng đây sống nhỏ nhen quá. Muốn răn dạy nàng ta, lại còn phải quang minh chính đại, cơ hội này nghe thực cũng khó tìm lắm thay. Lý cách cách tuy trông thấy hơi khác người, nhưng nàng ta ắt sẽ không để mình phạm phải sai lầm lớn lao. Lần này nếu không vì Tứ a ca cho đánh người của nàng ta trước, thì phúc tấn có khi đã thừa dịp khéo mà ra tay. Nhưng... Phúc tấn nói: "Cứ đợi đi, chúng ta đâu đã biết ý Tứ gia là gì." Phúc ma ma khó hiểu, Tứ a ca chẳng ra ý đấy rồi hay sao? Tối đến, hay tin Tứ a ca vừa về liền đi thẳng sang viện Lý cách cách, bà ta mới bừng tỉnh ngộ. Trong tiểu viện, Lý Vi có phần ngạc nhiên, nàng cứ tưởng Tứ a ca sẽ lạnh nhạt với nàng vài hôm nhằm khắc sâu thêm vào ấn tượng của mọi người chứ. Vào tới viện, Tứ a ca vẫn chẳng đợi nàng hành lễ xong đã đưa tay nâng nàng dậy, lại kéo tay nàng bước đến trước sạp, dịu giọng bảo: "Hôm nay tốt cả chứ?" Lý Vi trả lời hơi e dè: "Tốt ạ. Gia, thay quần áo nhé?" Tứ a ca kéo luôn nàng vào phòng trong: "Ừ, nàng thay cho gia đi." Sao thân thiết quá... Lý Vi không ngờ Tứ a ca lại có phản ứng thế này, lẽ ra phải trưng mặt lạnh để nàng thỉnh tội mới phải chứ? Lúc thay đồ, Tứ a ca đuổi thẳng đám Ngọc Trản ra ngoài, để mình Lý Vi thay cho chàng. Cởi áo ngoài xong, nhìn Lý Vi đang cởi quần cho mình, chàng bèn nâng cằm nàng lên: "Thiệt cho nàng rồi." Nói xong thở dài, ôm nàng ngồi lên sạp. Tứ a ca vừa vuốt tóc nàng, vừa giải thích: "Dạo này mới từ cung ra đây, người Nội vụ phủ phân công tới đều là người có kinh nghiệm, nhưng kẻ nào cũng nói như rồng leo, làm như mèo mửa; người ở trong cung ra lại bộp chộp xốc nổi. Phủ ta nay sắp sửa phải mời khách gặp người, nếu không cho chúng tỉnh táo lại, ngộ nhỡ chúng làm ra điều bẽ mặt với người ngoài, thì thể diện của gia nhà nàng sẽ bị bôi bác ngay." Lời chàng nói tương tự như suy nghĩ của Lý Vi, đã bảo Tứ gia sẽ không vì sen bát mà thưởng đánh rồi kia, ắt hẳn là phải có căn nguyên. Tứ gia giải thích tiếp: "Còn bên phúc tấn, nói sao vẫn phải kỵ cho phần thể diện của nàng ấy. Thêm nữa, vốn dĩ căn cơ phúc tấn đã không vững, xuống tay với người của nàng ấy ngược lại sẽ dẫn đến một vấn đề lớn hơn. Đúng lúc, Triệu Toàn Bảo và Ngọc Bình phạm sai bị Tô Bồi Thịnh bắt bớ, ta vốn cũng định dạy cho chúng biết đường mà chừa thói lơi lỏng." Tay chàng chậm rãi lướt từ vai lên mặt nàng, nâng khuôn mặt nhỏ nhắn xoa nhè nhẹ, giọng thêm phần ấm áp: "Vốn nàng đã không có oai phong gì, nhưng phần nhiều người trong phòng nàng đều nằm dưới tầm kiểm soát của hai tên nô tài này. Nếu lá gan hai kẻ này quá lớn, e sẽ rước họa cho nàng ngay. Trận đòn kia tuy đánh cốt cho người ta xem, nhưng vẫn đã chỉnh đốn được chúng." Lý Vi rất cảm động, nhưng cũng hơi 囧. Tứ gia, chàng ham giải thích quá... yên trí, thiếp không hiểu lầm chàng đâu. Tưởng Tứ gia tâm hồn mong manh sợ bị hiểu lầm, nàng bèn duỗi hai tay ôm chặt eo chàng, nói vô cùng kiên định: "Gia, đừng lo, thiếp tin chàng mà!" Tứ a ca ôm nàng, khẽ bật cười thành tiếng. Từ đêm ấy, Tứ a ca nghỉ luôn ở chỗ Lý Vi đến tận hôm mở tiệc. Sủng ái liên tiếp mười mấy ngày khiến người trong phủ đều thấy rõ ràng Lý cách cách không hề thất sủng, cũng làm Phúc ma ma hiểu ra câu "xem ý Tứ a ca" của phúc tấn nghĩa là gì. Chàng đánh người của Lý cách cách, nhưng chàng không cho phép kẻ khác bởi vậy mà coi nhẹ, thất lễ với nàng. Trong thư phòng của tiểu viện, cái chậu sứ và bàn con ban đầu để đặt sen bát đều bị dọn đi hết, thay vào đó là một cái ang nhỏ cao gần bằng án thư. Trong ang đổ đầy nước trong, mặt nước dập dềnh đóa sen bát, phía dưới thả con cá vàng không ăn rễ được cố công tìm về, rễ sen cũng được làm công tác bảo vệ đặc biệt, hiện thực hóa ước muốn ngắm nước, thưởng sen, đùa cá của Lý Vi. Vì tránh lần này lại phát sinh sự cố, Ngọc Xuân và Ngọc Hạ được đưa đi học cách chăm cá, nuôi sen, rồi cách để cùng nuôi hai thứ chung một chỗ. Những chuyện này đều do Trương Đức Thắng tự tay dẫn dắt cả. Lúc trước chính cậu ta đưa Ngọc Bình và Triệu Toàn Bảo đi chịu phạt rồi lại khiêng người trở về, Tô Bồi Thịnh giao nhiệm vụ này vào tay Trương Đức Thắng cốt cũng vì muốn cho cậu ta cơ hội lấy lòng Lý cách cách. Triệu Toàn Bảo và Ngọc Bình nằm chục ngày rồi dậy, hai mươi gậy đánh được lót bằng một túi bạc nên hai người bị thương cũng nhẹ. Sau khi vết thương lành, trước tiên cả hai lại quỳ trước mặt Lý Vi tự thuật lỗi lầm, xin thề ngày sau sẽ dốc hết lòng hầu hạ chủ tử, tuyệt đối không dám nảy ý càn bậy nữa. Tô Bồi Thịnh và Trang ma ma đã thay phiên nhau răn dạy lại hai người, với ngụ ý rằng: Lý cách cách may mắn được sủng, nhưng ai biết sủng ái này có tới khi nào? Chủ tử là người mềm lòng, thiện tâm, không giữ chuyện gì trong bụng. Hai ngươi còn chẳng giữ mình được nữa, thì tiểu viện này rồi sẽ thành ra thể thống gì? Thận trọng, thận trọng, luôn phải thận trọng. Có cẩn thận cỡ nào cũng không bao giờ là thừa. Ăn trận đòn ấy xong, Triệu Toàn Bảo và Ngọc Bình đều tiến bộ vượt bậc. Nhìn Lý cách cách lại vào thư phòng vớt cá, cho cá ăn, đùa cá trong ang, hai người nhớ đến lời Tô Bồi Thịnh và Trang ma ma nói. Triệu Toàn Bảo nhủ bụng: phải làm thân hơn với đám nô tài bên thư phòng mới được, không thể nào ăn đòn này khơi khơi vậy được. Chủ tử tính vô tư, thì mình càng phải trau dồi trí não hơn thế, lỗi lần này không được tái phạm nữa, lần sau... ai biết còn may được như này nữa không? Ngọc Bình lại nghĩ trong lòng: tốt nhất là cách cách nên mau chóng có một đứa con, dù là tiểu cách cách cũng được. Như thế, giả một ngày a ca không sang thật nữa, có đứa con đây, ít nhất cách cách sẽ không bị người ngoài đay nghiến.(còn tiếp)