Chương 18
Vườn hoa của phủ Bối lặc trông đã tương đối hợp nhãn sau khi được sửa sang. Hằng ngày Tứ a ca hai giờ sáng dậy, bảy giờ tối về. Khi phúc tấn phải bận rộn chu tất việc nhà và làm yến tiệc mỗi ngày, Lý Vi bắt đầu cuộc tham quan ngắm cảnh phủ Bối lặc.Chuyển vào đây vừa đúng là tiết xuân sang mùa cỏ cây sinh sôi, cảnh vật nơi nơi đã thành hình, thực vật xanh um tươi tốt, ganh đua khoe sắc. Vườn hoa nằm ở nửa sau của phủ Bối lặc, chiếm diện tích khá lớn. Chính giữa là một hồ nước to, nước hồ lăn tăn sóng vỗ, đằng cuối phía Tây hồ có một ngôi đình nối liền với cây cầu vòm bên bờ hồ. Chung quanh đình nhỏ trồng đủ loại sen, nào hồng, nào trắng, có bông cánh nở cực to, cũng có bông cánh gối chồng lớp lớp. Dưới hồ nuôi loài cá chép thổ cẩm, đáy hồ lát đá cuội, làn nước trong veo thấy đáy. Bên hồ có hai bà vú già lực lưỡng đứng trông, thấy Lý Vi đến gần liền bước lên đón, thưa rằng nếu Lý Vi muốn hái hoa sen, chỗ các bà có sào hái sen cho nàng được; nếu muốn cho cá ăn hoặc ngắm hồ, nên vào đình hồ ngắm sẽ tốt hơn. "Ở đây không có cây che bóng mát, sợ chủ tử phơi nắng lâu sẽ váng đầu." Một vú già bảo. Lý Vi muốn bơi... nước này thoạt trông mát mẻ quá. Hồi ở Lý gia nàng từng bơi rồi, có điều từ sau mười sáu tuổi là ngạch nương không cho nàng bơi nữa. Ngồi trong đình một chốc, vú già bưng tới hai đĩa thức ăn cho cá. Nàng cho cá ăn, rồi ôm vài cành sen hồng nụ đương chớm nở về. Về đến tiểu viện, Ngọc Bình tìm một cái lọ lớn cắm sen, vú già nói nuôi trong nước mấy ngày là nở được ngay, đám sen này chóng nở lắm. Lý Vi lựa ra hai cành, cắt bỏ phần thân dài quá khổ phía dưới, sai Ngọc Bình đi tìm một chiếc lọ cổ dài thuần trắng không một nét hoa văn, cao bằng nửa người, cắm vào đó hai cành sen một cao một thấp, rót vào nửa lọ nước trong, rồi gọi Triệu Toàn Bảo tới đưa sang thư phòng. Triệu Toàn Bảo sai Toàn Phúc và Toàn Quý cùng khiêng lọ hoa, theo chân hắn đi sang thư phòng. Trong thư phòng, Trương Đức Thắng vừa thấy Triệu Toàn Bảo sang, tủm tỉm cười đứng dậy đón ngay. Sau khi chuyển vào phủ Bối lặc, viện của Lý cách cách nằm kề ngay cạnh thư phòng của Tứ a ca, người trong thư phòng rõ mười mươi chuyện ấy. Triệu Toàn Bảo bước nhanh, quỳ một gối xuống chào, cười toe toét: "Chào Trương ca ca, huynh bận à? Đây là hoa cách cách nhà chúng tôi bảo đưa sang, huynh xem..." Trương Đức Thắng đã trông thấy lọ hoa hai đứa sai vặt khiêng, hai búp sen trong lọ ngan ngát hương và vẫn vương hạt sương từ hồ nước. Mánh khóe cầu được sủng của Lý cách cách này khá lão luyện đấy. Sợ gì cũ rích, miễn có hiệu quả là được. Mấy bữa nay Tứ a ca đi sớm về muộn, bận tất tả ngược xuôi, trông qua có phần bải hoải bơ phờ. Mặc dầu hai cành hoa này nom hơi tẻ nhạt, nhưng biết đâu lại lọt được vào mắt a ca thì sao? Cậu ta cần gì phải ngáng đường nhà người ta nữa? Trương Đức Thắng hể hả nhận lọ hoa, không dám bày lung tung mà đặt hẳn trên chiếc bàn dài - vị trí đầu tiên rơi vào tầm mắt ngay khi vừa vào thư phòng. Lát nữa Tứ a ca về, nhất định sẽ nhìn thấy cho xem. Tối, gần tám giờ Tứ a ca mới về đến nhà. Cưỡi ngựa tới trước cổng, chàng bước xuống, quẳng cương ngựa cho tên gác cổng, sải bước dài trở về thư phòng. Đang định gọi người múc nước ấm vào rửa mặt ngâm chân, bỗng dưng liếc thấy chiếc lọ cổ dài trắng muốt đặt trên cái bàn dài một cách rất mất hài hòa. Lọ kia to oành, bên trong cắm hai cành sen thân cao búp lớn, oái oăm ở chỗ lại đặt ở cái bàn dài mà hẹp, làm người khác nhìn vào chợt sinh cảm giác chao đảo chênh vênh. Nhất thời khiến Tứ a ca thấy bứt rứt cả người. Chàng cau mày chỉ lọ hoa: "Bỏ xuống." Tim Trương Đức Thắng đập thịch, lập tức nháy mắt ra hiệu tiểu thái giám đi qua ôm lọ hoa xuống dưới. Tứ a ca vào phòng trong rửa mặt súc miệng, lúc này Tô Bồi Thịnh cũng vào, thấy nét mặt Trương Đức Thắng bất thường, liền gọi cậu ta ra ngoài hỏi xem có phải hôm nay xảy ra chuyện gì hay chăng? Chẳng đợi Trương Đức Thắng nói, một tiểu thái giám từ phòng trong bước ra, thận trọng nói với Trương Đức Thắng: "Trương ca ca, Tứ gia gọi huynh vào hỏi chuyện lọ hoa." Mặt Trương Đức Thắng méo xệch, vừa vào đã sụp gối quỳ ngay tắp lự, trán dí sát mặt đất. Tứ a ca đang được tiểu thái giám hầu thay quần áo, thấy cậu ta vào cũng chỉ thưởng cho một cái liếc mắt. Trương Đức Thắng tức khắc thuật lại rõ ràng không sót nửa chữ: "Sau bữa trưa, Triệu Toàn Bảo chỗ Lý chủ tử dẫn người khiêng tới đây, bảo rằng..." Nói chưa dứt lời, Tứ a ca đã phất tay. Cậu ta đứng lên mà tấm lưng không dám ưỡn thẳng, lui dần về sau rồi đi ra ngoài. Qua một lúc, một tiểu thái giám lại bước khỏi gian phòng trong, lại ôm lọ hoa kia vào. Làm Trương Đức Thắng ngạc nhiên trợn tròn mắt, cậu ta hẵng tưởng kiểu này Tứ a ca sẽ phải nổi giận đây, nhưng thế kia là chuẩn bị ngắm hoa đấy ư? Phòng trong, Tứ a ca ngồi trên sạp, tiểu thái giám ôm lọ hoa đứng trước mặt chàng. Chàng quan sát hai búp sen cắm trong lọ, hoa đẹp thì rất đẹp, nhưng hai cành hoa này đến cả một vật làm nền cũng không có, chứ đừng nói gì tới điểm nhấn, trụi lủi, chỉ tổ phí hoài cành sen sớm kết nụ hoa! Tuy nhiên, vẫn còn biết đường cắt sửa thành một cao một thấp, coi như không quá tệ. Tứ a ca rút một cành ra, nghĩ bụng: nếu lọ sen đưa sang đây có hai cành sen cao ngang nhau, đoán chừng là chàng sẽ thật... không biết nên nói gì cho phải. Có một số thứ thực sự phụ thuộc vào thiên phú đấy. Lý thị à, ha ha... Chàng đặt hoa xuống, khẽ thở dài, mỉm cười bảo: "Trông cũng có đôi phần hoang dã." Nhìn có khác nào hoa của những đàn bà con nít trí óc tịt mịt ngoài quê tiện tay hái rồi cắm bậy cắm bạ đâu cơ chứ. Bên ngoài, thấy lọ hoa được ôm vào, Trương Đức Thắng nín bặt hồi lâu. Đang lấy làm khó hiểu, chợt Tứ a ca đi ra, bước liền một mạch, Tô Bồi Thịnh vội vàng bắt kịp, Trương Đức Thắng ở sau luôn miệng giục giã tiểu thái giám xách đèn lồng đuổi theo. Ra khỏi thư phòng, lần theo con đường mòn vòng ra phía sau, qua hai ngưỡng cửa nhỏ là có thể nhìn thấy bức tường bao quanh khu viện của Lý cách cách. Khóa ở bên đây, tiểu thái giám trông cửa đã lanh lẹn mở khóa sẵn, quỳ dưới đất nghênh tiếp. Tứ a ca đi vào từ cửa nhỏ, Tô Bồi Thịnh theo bước, xua tay cho tiểu thái giám xách đèn lồng đứng chờ ở cửa. Trong tiểu viện, Lý Vi đã rửa mặt súc miệng thay áo ngủ, đương nằm trong màn cầm xem cuốn thêu. Sắp sửa đây phải mặc sang trang phục hè rồi, mà so với hồi trong cung thì quy củ ở phủ Bối lặc không còn quá khắt khe nữa, nàng bèn nảy ý muốn mặc thử kiểu váy của nữ tử nhà Hán. Kỳ bào hiện giờ thật... xấu không tả nổi. Khoan bàn đến chuyện từ đầu xuống chân đặc hình cái ống, từ khi nào mà kỳ bào lại thịnh hành kiểu màu sắc tươi rói cộng thêm những đường thêu phức tạp, được xem như một sự kết hợp giữa hai kiểu Mãn - Hán? Dù sao, tóm lại là vải quá dày, thêu nữa càng thêm dày, để mùa hè mặc thực tình mệt ghê gớm. Vậy nên, với loại váy thời Hán kia, chỉ cần không đi ra viện, có lẽ mặc vui vui hẳn sẽ không sao. Hồi bé ở nhà Lý Vi cũng từng mặc, nhưng về sau lớn là chỉ được mặc kỳ bào, vì chuyện này mà ngày xưa nàng còn bị ngạch nương phạt đánh tay, đánh đến nỗi lòng bàn tay sưng phù hết cả. Đang lật xem, Tứ a ca đã lặng lẽ đi vào. Đám Ngọc Bình sao không thông báo! Lúc trong cung đâu có vậy, ra cung rồi là buông thả luôn phỏng Tứ a ca? Lý Vi thấy chàng cứ lẳng lặng bước vào, nàng cũng không buồn đứng dậy nữa, quỳ hẳn trên giường hành lễ. Và nét cười trên mặt chàng kia - tuồng như là một nét cười giễu? Nàng hơi sững người, thấy chàng cầm lấy tập tranh đặt bên gối, nương ánh đèn giở ra xem, hỏi nàng: "Nàng muốn làm mặc à?" Xét tới chuyện chàng là người Mãn, lại còn là hoàng a ca, nhớ lại cảnh năm xưa bị ngạch nương dùng thước tre đánh tay, Lý Vi tức thì kéo tay áo chàng làm nũng: "Chỉ mặc trong viện thôi, thiếp không mặc ra ngoài đâu." Ngờ đâu chàng chẳng hề giận dữ, ngồi xuống lật xem kỹ càng, sau cùng gập lại mấy trang, nói: "Mấy bộ này đẹp, bữa nào ta sẽ cử sang cho nàng hai ma ma thêu thùa, để các bà ấy làm cho nàng mặc." Qua ải trơn tru trót lọt mà còn lời thêm được hai chuyên gia trong nghề đến may cho quần áo mới, Lý Vi sướng đến độ suýt để lộ hàm răng bị hổng mất một lỗ. Kết quả, tiếp sau đây Tứ a ca lại mỉa mai tay nghề cắm hoa của nàng. "Nhìn hoa nàng đưa sang cho ta, làm ta thấy lạ lùng đáo để, rốt cuộc người vào phủ đây là tú nữ bước ra từ cuộc đại tuyển, hay cô thôn nữ sống cạnh con sông nhỏ ở thôn quê nào lẻn vào đây..." Chàng cười nâng cằm nàng, nói. Thình lình Lý Vi giật bắn, mắt chớp chớp, giơ khăn tay che đi nửa khuôn mặt, giọng eo éo: "Đại gia tha cho, cũng tại bực cha mẹ nhẫn tâm kia của thiếp, đem đổi thiếp lấy hai lạng bạc một đấu gạo..." Tưởng Tứ a ca chắc chắn sẽ cười một tràng, thế mà chàng lại rất phối hợp diễn tiếp cùng nàng. "Tội nghiệp quá thay. Nếu đã vào phủ, thì hãy ngoan ngoãn hầu chủ tử. Nếu sinh hạ được một đứa con dù trai hay gái, gia sẽ đãi rượu nạp nàng vào cửa hầu chủ mẫu." Tứ a ca diễn tay ăn chơi đàn đúm thật chẳng giống tí nào... Nhưng nếu đại gia đã tung hứng, Lý Vi ắt không thể phủi tay bỏ dở nửa chừng, không thì dám là mặt mũi của vị đại-gia-thật này sẽ bớt đi nhiều phần tươi tỉnh đấy. Nàng nghiêng người, cầm khăn che mặt giả khóc: "Hu hu hu... xin đại gia thương cho, tấm thân này của thiếp vẫn còn trinh bạch..." Tứ a ca áp sát: "Trinh bạch? Để gia nghiệm xem có đúng là thế không." Nói xong liền bắt đầu. Lý Vi vặn vẹo đùn đẩy chàng, chân nhẹ nhàng đá loạn xạ, liên tục bật ra những tiếng gọi khẽ: "Đừng mà! Có ai không! Cứu tôi với!" Nàng chơi hóa nghiện mất rồi. Đến lúc Tứ a ca cởi áo nàng, nàng hãy còn chống cự vùng vẫy, càng lúc càng khuấy đảo cảm xúc chàng... đây có được tính là đóng cảnh H không nhỉ? Hai người nằm trong phòng, ngoài phòng Ngọc Bình bưng chén trà cho Tô Bồi Thịnh, mời hắn sang phòng góc ở sát vách ngồi nghỉ. Chái nhà là chỗ Lý cách cách thường lui tới, cho một thái giám vào nghỉ chân hẳn nhiên là không thích hợp lắm. Kỹ năng hầu đại thái giám của Triệu Toàn Bảo phải nói vô cùng nhuần nhuyễn, nào múc nước ấm cho Tô Bồi Thịnh ngâm chân, nào vắt khăn ấm cho hắn lau mặt, cuối cùng là bóp vai. Vì không được ăn cơm, nên Triệu Toàn Bảo chỉ lấy cho hắn ít điểm tâm ăn tạm lót dạ. Có lẽ được phục vụ thoải mái quá, hiếm khi Tô Bồi Thịnh lắm điều một câu: "Tiểu Triệu Tử, số anh là số may, chủ tử anh cũng tốt số, người được, số mệnh cũng được. Gắng mà hầu hạ, đặng mai sau sống sung sống sướng." Hắn nhìn Triệu Toàn Bảo, nói giọng đầy ẩn ý: "Biết đâu, sau này cả nhà chúng ta cũng phải nhờ tay anh coi sóc." Triệu Toàn Bảo quỳ xuống mau mắn dập đầu: "Nô tài tạ ơn Tô gia gia chỉ điểm!" Kế đó Tô Bồi Thịnh vẫn bưng trà uống, không nói thêm gì nữa. Khoảng hơn một canh giờ trôi qua, phòng trong gọi nước, Ngọc Bình đi ra rồi lại vòng về phòng góc, nói: "Tô gia gia, a ca nghỉ rồi." Tô Bồi Thịnh gật đầu, đáp: "Ta cũng chợp mắt một lúc đây, ở ngay phòng này." Triệu Toàn Bảo tự tay ôm đệm chăn mới đi thay. Hầu Tô Bồi Thịnh ngả lưng xong, hắn khẽ đóng cửa ra trông ngay ở ngoài. Ngọc Bình đưa mắt ra dấu cho hắn, hắn gật gù, ý rằng cứ yên tâm. Hai canh giờ sau, tới hai giờ sáng, Triệu Toàn Bảo gọi Tô Bồi Thịnh dậy, bên ngoài đã có sẵn nước ấm và các vật dụng cần dùng. Tô Bồi Thịnh đi vào, đứng cách bình phong gọi Tứ a ca thức giấc. Tứ a ca thay xong quần áo là về ngay thư phòng, rửa mặt ăn sáng ở đây sau đó đi Thượng thư phòng. Buổi chiều, Trương Đức Thắng dẫn hai tiểu thái giám đưa sang một chậu sứ trắng to cỡ chậu rửa mặt. Bên trong là mấy nụ sen bát nom be bé xinh xinh, thêm cả một cái bàn con dành riêng để bày đám sen bát này, cùng được đặt cạnh án thư gần cửa sổ chái Tây. Lúc dậy Lý Vi trông thấy, bèn ngồi trước án thư ngắm hoa trọn một buổi sáng, còn đặt bút vẽ hai bức tranh chẳng ra trật tự gì. Sau rồi lại vo thành cục liệng đi, để Tứ a ca thấy, quan niệm thẩm mỹ của chàng sẽ khiến chàng nhạo báng nàng nữa cho xem. Ngọc Bình nói: "Nô tỳ đã bảo trong lòng Tứ gia có cách cách rồi mà, thứ này còn hiếm có hơn vàng bạc thật nhiều." Lý Vi cũng nghĩ vậy, nhưng những thứ Tứ a ca cho nàng, bất kể là vải vóc trâm cài hay ma ma thêu thùa, mọi thứ đều do nàng nghĩ ra thì chàng mới đưa sang. Còn vào những dịp lễ tết trong phủ luôn đưa đồ này đồ kia, nàng vốn cũng chẳng thiếu thốn thứ gì. Chống cằm ngắm chậu sen kia, Lý Vi càng nghĩ càng say sưa. Đây là tấm lòng Tứ a ca dành cho nàng cả đấy, nàng phải chăm bẵm tốt mới được. Vừa ngồi mình sùi sụt cảm động trong dòng cảm tình thắm thiết, nàng vừa chợt nảy ý muốn sai Triệu Toàn Bảo lấy bạc ra xem liệu có mua được vài con cá vàng không. Có nước, có sen, giờ thêm đôi con cá, thế mới giống một ao sen thu nhỏ. Trong phủ Bối lặc lại không có phòng chăm hoa nuôi chim, nhưng bên chỗ người chăm nom vườn hoa có nuôi cá thổ cẩm con. Triệu Toàn Bảo chẳng cần dùng bạc đã đem về được cho nàng mười mấy con cá, Lý Vi khoái chí thả hết vào chậu. Đám cá bột bé tí tẹo bơi thoăn thoắt trong chậu sen, làm nàng ngạc nhiên reo lên liên hồi. "Chúng bơi nhanh quá!" Nàng quấn lấy chậu sen suốt một ngày, nghiền đủ loại bánh ngọt nát thành bột rắc cho cá ăn. Tối nàng đi ngủ, Ngọc Bình và Ngọc Trản lại vất vả thay nước cho chậu sứ, nước bị nàng vọc cả ngày hóa đục hết rồi. Cứ thế thêm vài hôm, Tứ a ca bận chuyện yến tiệc nên không sang nữa, nàng chỉ đành nghịch chậu sen bát này. Chưa chịu bỏ cuộc, nàng bèn vẽ tiếp bảy tám bức tranh sen, nhưng vẽ xong thấy chưa vừa ý là nàng vo cục ngay. Rõ ràng tranh sen của các họa sĩ nổi tiếng vẽ trông đâu quá phức tạp, nhìn góc nào cũng đẹp. Còn tranh nàng vẽ, sao nhìn góc nào cũng thấy bất ổn thế kia? Lý Vi nhìn đăm đăm bức tranh vừa hoàn thành trên án thư, lúc vẽ nàng hài lòng lắm; mà vẽ xong rồi, bắt nàng bình, nàng cũng chỉ bình được vẻn vẹn một câu: Tác phẩm đoạt giải nhất cuộc thi thư họa cho học sinh tiểu học. ... Chuyện này ắt hẳn có dính líu đến phú trời ban. Sau khi thừa nhận bản thân thiếu hụt thiên phú, Lý Vi không thấy mất mát gì, trái lại nàng còn định bụng cất những bức vẽ hỏng đi. Dù sao trình độ của nàng cũng chỉ dừng ở mức ấy, lúc vẽ thấy sảng khoái con người là được. Nàng tự bày trò giải trí, tự vui thú riêng, Ngọc Bình và Ngọc Trản lại phát hiện có phiến lá sen đang héo khô từ rìa lá! Sấm sét giữa trời quang! Đây là sen Tứ a ca đưa sang đấy! Lý Vi hẵng chưa biết chuyện, năm con người trong viện nàng đã âm thầm mở mấy cuộc hội ý. Về chậu sen bát kia, Triệu Toàn Bảo nhìn Ngọc Bình chằm chằm: "Các cô lơ là chăm cây chứ gì? Có năng thay nước không đấy?" Ngọc Bình sốt ruột đầu toát mồ hôi, nói: "Ngày nào cách cách cũng muốn ngắm sen, anh bảo xem ta có thay nước thường xuyên không?" Ngọc Trản làm chứng: "Mỗi ngày thay một lần." Ngọc Yên lạc quan hơn: "Hay là tới kỳ nở hoa rồi?" Triệu Toàn Bảo trợn ngược mắt: "Giờ mới tháng năm, sen bát nhỏ nữa cũng là hoa sen, sen trong vườn ngắm được đến tận tháng tám tháng chín, đâu ngỏm nhanh thế được." Năm người ngơ ngác nhìn nhau. Cuối cùng, Triệu Toàn Bảo cẩn thận đặt cây sen bát kia vào một bát nhỏ, giấu trong ngực rồi chạy đi tìm người nuôi hoa sen trong vườn. Người kia cầm bát sen ngó nghía, nói giọng chắc nịch: "Rễ này hỏng rồi, hết cứu nổi rồi, sắp sửa chết rồi." Triệu Toàn Bảo thiếu điều quỳ rạp, rễ hỏng kiểu gì mà hỏng? Ngọc Bình thay nước hằng ngày, sao chết được chứ? Nói thẳng ra là họ sắp chết mới đúng! Hắn túm chặt tay người kia: "Ông nghĩ cách đi!" Với địa vị hiện tại, giờ phút này hắn đã hạ mình lắm rồi. Người kia chịu bó tay, nhưng nể tình cả hai đều là hạ nhân, bèn cho Triệu Toàn Bảo một gợi ý: "Kích thước cây nào cũng như cây nào, anh nghĩ cách tráo đổi là được ngay chứ gì." Triệu Toàn Bảo mừng huýnh, vội hỏi: "Chỗ ông có không?" Người kia lắc đầu: "Chỗ ta đây toàn sen lớn, muốn thì anh phải ra tiệm chuyên bán cây cảnh mua." Triệu Toàn Bảo quay về báo tin xấu ấy cho mọi người nghe, trong phòng ai nấy cũng xám mặt. "Phương án duy nhất, phải tìm một cây tương tự khác thay thế thôi." Triệu Toàn Bảo nói. Hồi trong cung, Ngọc Bình từng theo chân Lý Vi đi thỉnh an phúc tấn, nói: "Trước ở cung có lần thấy viện phúc tấn có loại sen bát này, nuôi trong ang thái bình*." *Ang thái bình: một loại ang dùng phòng cháy quan trọng của Trung Quốc thời cổ đại. Triệu Toàn Bảo không cười nổi nữa: "Đừng nói ngớ ngẩn nữa, chẳng thà chúng ta tự nghĩ cách ra ngoài mua." Chỗ phúc tấn kẻ nào dám đụng? Nói huỵch toẹt thì là, dù họ có dám đem thư phòng của Tứ a ca ra thử một lần, nhưng còn phúc tấn? Ha ha, đâu ai tiếc rẻ cái mạng đến thế. Nhưng thư phòng của a ca... họ cũng chỉ dám nghĩ mà thôi. Nếu đã được gợi ý, vấn đề còn lại là ra ngoài bằng cách nào. Triệu Toàn Bảo và Ngọc Bình bàn bạc nửa buổi trời, đều thống nhất rằng chuyện này càng ít người biết càng tốt. Vậy là sau khi bàn bạc, hai người vạch ra được hai ý. Một là xuống tay từ nhóm hầu việc nặng, nhóm người này ngày nào cũng phải ra ngoài mua đồ, khả dĩ nhờ họ mang về giúp. Triệu Toàn Bảo lại có xu hướng cầu cạnh Trương Đức Thắng ở thư phòng, người bên thư phòng cũng ra ngoài suốt ngày mà. Hơn nữa, hắn còn có một ý, rằng muốn xây dựng quan hệ với người khác là phải nhờ người ta làm việc hộ mới được. Nhờ Trương Đức Thắng đem mấy cây sen bát về, tuy hơi mạo hiểm, nhưng mối liên hệ giữa viện của họ và Trương Đức Thắng sẽ được kéo gần từ đây. Ngọc Bình phản đối. Cây do Tứ a ca gửi sang, ồ, chúng ta lại tự động chạy qua nói sen hỏng rồi ư? Thế có khác nào chui đầu vào chỗ chết? Triệu Toàn Bảo cũng sợ điểm ấy, ngộ nhỡ Trương Đức Thắng chơi bẩn bán đứng họ thì sao bây giờ? Hai người phân vân lưỡng lự, đành đi tìm Lý Vi. Lý Vi còn thắc mắc sao đám sen bát trong chậu này ngày càng thưa thớt, bỗng nghe hai người nói rễ sen bị hỏng, sen sắp héo rũ, đang lo sốt vó chẳng biết làm sao. "Đây là sen Tứ gia thưởng riêng cho người đấy ạ." Ngọc Bình chực trào nước mắt, nàng ta sợ phát khiếp. Lý Vi ở hiện đại đã mang tiếng không có khiếu chăm hoa, nên bấy giờ nàng không thấy hoảng hốt mấy. Tuy hơi tiếc nuối, nhưng đến xương rồng bà cũng héo hon dưới bàn tay nàng, sen bát này nhìn đã biết ngay là loại hoa quý và mảnh mai, có lẽ khí thế từ người nàng làm át cả vía hoa mất rồi. Song sen này là tâm ý của Tứ a ca, tuy không sợ khi biết chuyện Tứ a ca sẽ đối xử tệ bạc với nàng, nàng vẫn muốn cứu vãn được tí nào hay tí ấy. Nghe ý tưởng của Triệu Toàn Bảo và Ngọc Bình xong, Lý Vi hỏi vẻ lạ kỳ: "Làm gì mà phiền hà quá? Ra ngoài đâu khó tới mức ấy chứ hả? Trước hết cần đi nói với bốn bà ma ma, xem ta có được sai hai ngươi ra ngoài mua ít đồ không. Nếu được ra thì cả nhà cùng vui, nếu không được, đổi cách khác vậy." Cả Triệu Toàn Bảo và Ngọc Bình đều chưa liệu đến cách này. Hai người đã bị hoàng cung thuần hóa triệt để, rời khỏi đó rồi vẫn ngỡ như đang mơ. Thế là Ngọc Bình dẫn Ngọc Trản đi tìm Trang ma ma, đưa cho ít bạc và quà biếu, thốt một loạt những câu nịnh tai. Trang ma ma không từ chối, chỉ nói: "Cách cách muốn sai người ra ngoài mua đồ cũng được thôi, nhưng phải đợi phúc tấn gật đầu đã." (còn tiếp)