Chương 24: Bức Tranh Tươi Vui
Mấy ngày trước Lê Đăng Khoa đem hồ sơ của Ngô Uyển Nhi báo cáo với Lý Minh Trí. Hoàn cảnh của Uyển Nhi khiến anh vừa thương cảm, vừa nể phục, trong lòng tám phần khẳng định cô gái này sẽ là gia sư cho con gái rượu Lý An Nhiên của anh. Hôm nay, anh hẹn gặp trực tiếp cô để chốt lại vấn đề.Sau một thoáng bối rối vì câu nói không đúng lúc kia, Uyển Nhi ung dung trở lại. Cô ngồi yên tĩnh thưởng thức ly nước cam nhân viên mới mang ra. Thấy Lý Minh Trí im lặng quan sát mình, cô không vội vàng cũng không sợ hãi. Thông thường dưới ánh nhìn bức người của Lý Minh Trí, đối phương yếu thế hơn sẽ thấy bất an, lên tiếng trước. Anh chỉ cần quan sát, lắng nghe là dễ dàng nắm bắt tâm lý của đối phương rồi nhanh chóng chốt vấn đề. Với Uyển Nhi trầm tĩnh trước mặt, anh thầm tán thưởng bản lĩnh của cô gái này.“Cô có thích trẻ con không?” Lý Minh Trí nhàn nhạt hỏi.Uyển Nhi nhìn thẳng vào mắt anh một chút, vui vẻ trả lời: “Tôi là con một, từ nhỏ luôn ao ước có anh chị em. Thành ra cũng thích mấy đứa trẻ. Chính vì thế tôi mới chọn dạy môn vẽ năng khiếu cho thiếu nhi ở trung tâm văn hóa Bình Thạnh.” Cô nói rõ ràng rành mạch. Lý Minh Trí hỏi câu hỏi có không, nhưng cô trả lời theo kiểu nguyên nhân kết quả, có dẫn chứng cụ thể khiến người nghe hài lòng. Qua hồ sơ Lê Đăng Khoa cung cấp, Uyển Nhi dạy vẽ cho mấy đứa trẻ đã ba năm, như vậy vấn đề giao tiếp với trẻ con Lý Minh Trí có phần yên tâm.“Khi một đứa trẻ sáu tuổi khóc hoài không nín, cô sẽ làm gì?” Lý Minh Trí đem vấn đề đau đầu này ra hỏi, thử tìm một giải pháp cho nàng công chúa ở nhà.“Trước hết tôi sẽ ôm bé, nói rằng tôi luôn ở bên cạnh để vỗ về cảm xúc của bé. Thường bé khóc là do sợ hãi, căng thẳng, hoặc bực tức không hài lòng, cũng có khi là làm nũng. Nhưng kiểu gì thì bé cũng cần sự quan tâm của người lớn, cần trấn an bé. Thái độ của người lớn ảnh hưởng nhiều đến cảm xúc của bé, tôi sẽ không cuống quýt mà kiên nhẫn chờ bé bình tĩnh. Sau đó tôi tìm hiểu nguyên nhân bé khóc. Lúc này mới có thể đưa ra giải pháp cụ thể để nói chuyện với bé.” Uyển Nhi trả lời, cô không cần suy nghĩ cũng có thể nói một hơi dài, vì ngày bé cô thường xuyên khóc nhè và được mẹ ở bên dỗ dành như thế, trong lòng luôn cảm thấy ấm áp.Lý Minh Trí gật đầu. Anh luôn bất lực trước nước mắt của con, bé khóc làm anh xót xa, bé đòi gì cũng cho, cũng hứa để dỗ bé nín khóc. May mà An Nhiên tính tình vui vẻ, ít khóc, chứ kiểu mè nheo mít ướt chắc anh rối trí lắm.“Cô học đàn, học vẽ từ khi nào?” Trong hồ sơ có nói, nhưng Lý Minh Trí muốn nghe kĩ thêm, hỏi Uyển Nhi.“Tôi học đàn từ lúc lên năm đến năm mười tám. Sau tai nạn của ba mẹ tôi mới ngừng học.” Nhắc đến ba mẹ, Uyển Nhi hơi xúc động, cô ngừng một chút, lấy lại giọng bình thường nói tiếp: “Còn vẽ thì từ lúc nào tôi không nhớ, nghe đâu vừa mới biết bò tôi đã cầm cọ nguệch ngoạc, tôi thừa hưởng năng khiếu từ ba tôi.”Lý Minh Trí nhận ra giọng nói xúc động của cô khi nói về ba mẹ và tuổi thơ. Cô có một tuổi thơ hoa mộng, vậy mà giờ đây lẻ loi cô độc như vậy, chắc cô đau buồn lắm.“Vậy đàn vẽ là do năng khiếu, hay là rèn luyện?” Lý Minh Trí muốn hỏi cho rõ, bé An Nhiên có bộc lộ chút năng khiếu vẽ, nhưng chưa rõ ràng.“Ngoại trừ thiên tài. Với những người khác thì năng khiếu chỉ chiếm 10% thôi, 90% là do rèn luyện, thường xuyên thực hành và nghiên cứu.” Uyển Nhi rành mạch trả lời, cô tin rằng có năng khiếu mà không trau dồi thì không thể thành công được.Lý Minh Trí yêu cầu Uyển Nhi kể một câu chuyện. Uyển Nhi chọn câu chuyện ngụ ngôn “Gà và đại bàng” để kể. Giọng cô ngọt ngào, kể chuyện có âm điệu, lúc lên lúc xuống trầm bổng, mô tả lời thoại hết sức sinh động. Đây là câu chuyện quen thuộc nhưng phần cuối cô có cái kết mở: “Trong truyện, chú đại bàng mòn mỏi chết đi như một con gà, trong khi vẫn mơ ước bay như đại bàng mà không dám thực hiện, đó là điều đáng buồn. Chú có thể có cái kết mãn nguyện hơn, nếu như chú chịu vứt bỏ hình ảnh oai dũng của đại bàng, bình bình an an làm một con gà vui vẻ. Hoặc là dám thực hiện ước mơ tung cánh bay lên cao, ngược chiều gió thành chúa tể bầu trời?” Nghe Uyển Nhi kể đến đây, Lý Minh Trí chăm chú nhìn cô đánh giá. Trước giờ anh nghe chuyện này, có suy nghĩ như cô. Tính ra là đồng quan điểm.Hỏi thêm vài câu không quan trọng khác, Lý Minh Trí muốn quan sát thái độ của Uyển Nhi, chứ không phải nội dung câu trả lời. Lý Minh Trí muốn nhìn Uyển Nhi vẽ, thấy cô có đem theo dụng cụ, anh nói:“Bây giờ cô có thể vẽ một bức tranh không?”Uyển Nhi gật đầu không cần suy nghĩ: “Dạ được.” Trước khi bắt đầu, Uyển Nhi giải thích với Lý Minh Trí một chút.“Những thể loại tranh màu mất nhiều thời gian, lại bày bừa chung quanh nhiều hoạ cụ không tiện. Hôm nay để cho gọn và không mất thời gian của anh, tôi chỉ chọn vẽ bằng bút chì trên giấy.” Cô nghĩ nên vẽ một bức tranh phong cảnh để anh đem về tặng bé gái. Qua vài nét đưa lên hạ xuống, một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp dần hiện ra. Mặt hồ lăn tăn gợn sóng, bờ hồ phủ đầy hoa thơm cỏ dại. Ven hồ một cây cổ thụ rũ bóng che mát, thấp thoáng ánh mặt trời ẩn sau tán lá, rọi tia sáng lấp lánh trên mặt nước. Trên cao từng cụm mây đủ hình dạng lượn lờ, chim bướm rập rờn.