Chương 16: Điều Tra Về Lý Minh Trí
Thấm thoát mùa mưa đến, tiếng ve râm ran tấu khúc nhạc rộn ràng, sắc đỏ nhuốm lên những chùm phượng vĩ, thắm một góc trời. Mùa hè đến! Ở miền Nam, không có bốn mùa rõ rệt như phương Bắc, nhưng mùa hè vẫn có những đặc trưng dễ nhận biết. Có lẽ vì mùa hè gắn với tuổi thơ, gắn với một thời áo trắng hồn nhiên nên nhiều người vẫn lưu giữ khoảnh khắc này như lưu giữ chút kỷ niệm xưa cũ.Từ lúc học năm nhất, Ngô Uyển Nhi đã không có mùa hè đúng nghĩa. Tranh thủ khoảng thời gian không lên lớp này, cô nghiên cứu thêm kiến thức chuyên sâu, lĩnh hội các trường phái hội hoạ, chiêm nghiệm những danh tác, hay đơn giản là làm thêm nhiều hơn để tích lũy tiền. Học mỹ thuật tốn rất nhiều tiền. Học phí chỉ là một phần nhỏ, chi phí mua hoạ cụ, màu vẽ các thứ mới đáng kể. Công việc làm thêm giúp Uyển Nhi trang trải sinh hoạt phí cố định, mỗi khi có giải thưởng hay bán được tranh, cô dùng số tiền đó để trang bị những dụng cụ vẽ yêu thích. Hè năm nay chuẩn bị cho năm cuối tốt nghiệp, cô dành nhiều thời gian lên trường làm workshop (vẽ theo chuyên đề…). Ngày nào cũng lên trường, xem ra không gọi là nghỉ hè.Giờ giải lao, Uyển Nhi đứng ngắm làn mưa giăng ngoài cửa sổ. Mưa không to, nhưng dai dẳng, thuộc dạng mưa dầm, những giọt nước mưa rơi xuống đất tạo thành những chiếc bong bóng mỏng manh, nảy lên rồi vỡ vụn. Giống như những hi vọng vừa nhen nhóm trong lòng cô, giờ có nguy cơ bế tắc. Hôm tìm thấy Lý Minh Trí, Uyển Nhi vui mừng không sao tả xiết. Nhưng ngoài những thông tin mà anh Đức cung cấp, cô không tra thêm được gì có ích nữa. Hỏi bác Google chỉ hiện ra những tin tức về kinh doanh, làm ăn, hợp tác… Những thông tin khác, không hề có dù chỉ một chút. Vài lần, Uyển Nhi thấy tin tức khánh thành công trình này nọ, nghĩ Lý Minh Trí có thể đến, ôm hy vọng may mắn gặp anh ta, cô tìm đến. Nhưng cô là ai chứ, không giấy mời không danh tiếng, ai cho cô vô. Uyển Nhi biết việc mình làm là vô ích, giả sử có gặp được Lý Minh Trí, thì sẽ như thế nào? Chẳng lẻ hỏi thẳng về Dương Phước An và đứa con gái. Dạng người thâm trầm như Lý Minh Trí dễ gì cho cô câu trả lời chính xác. Nhưng ngồi im không làm gì Uyển Nhi lại không chịu được, thật vô vọng.Đang miên man suy nghĩ, tầm mắt Uyển Nhi bị chắn bởi một bàn tay dài trắng trẻo, từng khớp ngón tay rõ ràng đẹp mắt. Giọng của Nguyễn Văn Nguyễn vang lên trêu chọc: “Làm gì mà ngẩn người ra thế? Anh ở ngay đây, em còn mơ tưởng tới ai sao? Thật là đau lòng quá đi.” Từ hôm triển lãm tranh đến giờ Uyển Nhi ít gặp Văn Nguyễn, chắc bị công việc làm ăn của gia đình cuốn lấy. Hôm nay mới thấy anh ấy xuất hiện. Nhìn thấy Văn Nguyễn, không hiểu sao tâm tình Uyển Nhi tốt hẳn lên, có thể do sự vui vẻ đầy năng lượng của anh lây nhiễm. Chợt trong đầu Uyển Nhi lóe lên ý nghĩ, “hay hỏi thăm Lý Minh Trí từ chỗ Nguyễn Văn Nguyễn xem sao. Gia đình Văn Nguyễn cũng là doanh nhân có tiếng, có thể qua lại với bên Lý Minh Trí.” Suy nghĩ mà chưa biết mở lời sao, thành ra Uyển Nhi cứ như vậy lặng lẽ nhìn Văn Nguyễn.“Này, nhớ anh đến mức đó à.” Văn Nguyễn tiếp tục cười cợt.“Lâu không gặp, mình cũng hơi nhớ Nguyễn.” Đây là lời nói thật lòng, nhưng nghĩ thấy câu chữ có vẻ không ổn, Uyển Nhi vội bổ sung: “Là nhớ bạn bè kiểu như nhớ Chân Lý, chứ không có gì đâu nha.”“Anh đã nói gì đâu mà em vội đính chính. Thật làm anh đây đau lòng quá đi.” Miệng nói đau lòng nhưng mắt Văn Nguyễn ánh lên tia sáng lấp lánh.“À, mình có thể nhờ Nguyễn chút việc được không? Tự mình không tìm được.” Uyển Nhi ngập ngừng khẽ mở lời.“Bạn bè sao còn khách sáo vậy, việc gì làm được anh sẽ cố gắng hết sức giúp em, em biết điều đó mà.” Văn Nguyễn trả lời chắc chắn.“Mình muốn tìm hiểu thông tin về Lý Minh Trí. Không phải về công việc mà về đời tư.” Uyển Nhi nói thẳng vô vấn đề.“Sao, anh ta mới mua cho em một bức tranh mà em đã cảm động rồi à?” Văn Nguyễn vừa trêu, mắt vừa ánh lên tia dò xét.“Không có đâu. Mình cần tìm người, mà người này vừa hay rất giống Lý Minh Trí, cụ thể thì giờ mình chưa nói cho Nguyễn nghe được. Mà Lý Minh Trí anh ta quá kín tiếng, mình không quen biết ai để hỏi thăm. Nên mình đành nhờ Nguyễn.” Uyển Nhi cuống quýt phân bua.“Ha ha, làm gì rối lên vậy. Anh chỉ trêu em thôi.” Văn Nguyễn bật cười, trở tư thế đứng rồi nói tiếp: “Anh có biết sơ về Lý Minh Trí, cũng có gặp qua. Còn thông tin thì em cần tìm hiểu gì để anh cho người điều tra?”“Về nhân thân, đời tư của anh ta từ mười năm trở lại đây, có được chừng nào hay chừng đó.” Uyển Nhi nghĩ từ mười năm trước, Dương Phước An rời mái ấm ở Gia Lai lên Sài Gòn đi làm, có thể quen biết Lý Minh Trí trong giai đoạn này, điều tra khoảng thời gian mười năm là hợp lý.“Được, có thông tin gì anh sẽ cho em hay.” Văn Nguyễn gật đầu, nghiêm túc nói.“Cảm ơn Nguyễn!”“Đãi anh bữa cơm em tự nấu là được, anh không cần cảm ơn suông đâu.” Văn Nguyễn ra giá.“Không thành vấn đề.” Lúc này Uyển Nhi mới nở nụ cười tươi tắn.“Tí nữa xong, ra chợ Bà Chiểu ăn hàng nha mọi người.” Tiếng cô bạn học vang lên tiếng chấm dứt câu chuyện của Uyển Nhi và Văn Nguyễn. Cô ấy vừa lên tiếng, mọi người liền hưởng ứng nhiệt tình. Văn Nguyễn làm động tác xua tay rồi rời đi. Mấy món ăn hàng này, chỉ thích hợp với bọn con gái mà thôi.Trường Đai học Mỹ thuật nằm gần khu chợ Bà Chiểu, nên sinh viên trường hay kéo ra đây oanh tạc. Khu vực trong chợ và gần đó là thiên đường ẩm thực, nhộn nhịp từ sáng đến khuya, với những món ngon nức tiếng, mà giá cả phải chăng, hợp với túi tiền sinh viên bọn cô. Nào là xôi gà, xôi sầu riêng, chè, ốc mắm sữa, phá lấu chiên, bún mắm, bánh mì và vô vàng những món nhâm nhi như xoài non mắm ruốc, cà na xí muội, xoài lắc, gỏi cuốn… tha hồ mà “gửi gắm lòng dạ”.Lê la hết hàng này đến hàng khác, lắc cái bụng no tròn, cả bọn vui vẻ từ biệt nhau, bắt đầu cuộc sống sau khi phố xá lên đèn. Ban ngày mọi người cùng nhau học hành ăn uống một chỗ, đến tối, mỗi người một kiểu sống của riêng mình. Có người chăn êm nệm ấm, được bưng cơm hầu nước theo lối cô chiêu cậu ấm. Có người xì xụp bát mì ăn vội để kịp đi làm. Có người tụ tập ba bảy, vui đùa thâu đêm, cảm thán sao thời gian nhanh thế. Cũng có người cần mẫn làm thêm, chỉ mong mau hết giờ để được về ngủ… Cuộc sống vốn là thế, muôn màu muôn vẻ, phong phú hơn cả tranh ảnh. Thơ ca hội hoạ, chỉ khắc hoạ một phần của cuộc sống muôn hình vạn trạng này mà thôi.