Chương : 17
Mùa đông dữ dội ùa về ngay sau nắng mới. Những đụn tuyết to, trắng xóa chất đống quanh ngôi nhà nhỏ, và những bàn tay sương giá phủ kín các cửa sổ. Băng trên cảng biển dần cứng và dày lên, cho đến khi dân Bốn Làn Gió bắt đầu những chuyến du hành mùa đông hằng năm của mình trên đó. Những lối đi an toàn được chính phủ hào phóng chăng dây, và suốt đêm suốt ngày tiếng leng keng vui tai của những chiếc xe kéo vang lên trên đó. Vào những đêm trăng sáng Anne nghe tiếng chúng vang lên trong căn nhà mơ ước của cô như tiếng lục lạc tiên. Vịnh cũng đóng băng, và ngọn hải đăng Bốn Làn Gió thôi không lóe sáng nữa. Trong những tháng việc đi lại trên biển khép lại, công việc của thuyền trưởng Jim chỉ là ngồi đó mà hưởng lương.
“Con Bạn Đầu và ta sẽ chẳng có việc gì để làm cho đến mùa xuân trừ giữ ấm và mua vui cho nhau. Người gác đèn tiền nhiệm cứ đến mùa đông là lại chuyển lên sống trên Glen; nhưng ta thích ở lại ngọn đèn hơn. Con Bạn Đầu dám bị đánh bả hoặc bị lũ chó trên Glen nhai xương lắm. Cũng hơi cô đơn một tẹo, chắc chắn rồi, chẳng có đèn mà cũng chẳng có mặt nước làm bầu bạn, nhưng nếu bạn bè vẫn đến thăm ta thì chúng ta sẽ trụ được qua mùa đông.”
Thuyền trưởng Jim có một con tàu đi trên băng, và Gilbert và Anne và Leslie đã có với nhau nhiều thật nhiều những chuyến du ngoạn rồ dại và thống khoái trên mặt vịnh đóng băng trơn láng cùng ông. Anne và Leslie cũng cùng nhau lang thang thật xa bằng giày tuyết, qua những cánh đồng, hay ngang qua mặt cảng sau những cơn bão, hoặc xuyên rừng ra bên ngoài Glen. Họ là những đồng chí rất tốt của nhau trong những chuyến phiêu du và những cuộc quần quây quanh ngọn lửa. Mỗi người đều có điều gì đó để trao tặng cho người kia... mỗi người đều thấy cuộc đời giàu có hơn sau những sẻ chia suy tư thân thiết hay sự im lặng thân ái; mỗi người đều đưa mắt nhìn qua những cánh đồng tuyết trắng giữa hai nhà với ý thức dễ chịu về một người bạn đang có mặt ở bên kia. Nhưng, sau tất cả những điều này, Anne cảm thấy vẫn luôn có một rào cản giữa Leslie và bản thân cô... một sự gượng gạo chẳng bao giờ hoàn toàn biến mất.
“Cháu không hiểu vì sao cháu không thể đến gần cô ấy hơn được,” một tối nọ Anne nói với thuyền trưởng Jim. “Cháu thích cô ấy lắm... cháu ngưỡng mộ cô ấy lắm... cháu muốn ôm trọn cô ấy vào tim cháu và chui thẳng vào tim cô ấy. Nhưng cháu chẳng bao giờ vượt qua được rào cản đó.”
“Cả đời cháu đã quá hạnh phúc, cháu Blythe ạ,” thuyền trưởng Jim trầm ngâm nói. “Ta nghĩ đấy là lý do vì sao cháu và Leslie không thể thật sự gần gũi nhau trọng tâm hồn được. Rào cản giữa hai đứa là trải nghiệm đau thương và bất an của con bé đó. Nó không chịu trách nhiệm cho việc đó và cháu cũng thế, nhưng trải nghiệm đó vẫn ở đó và hai đứa không tài nào vượt qua được.”
“Tuổi thơ của cháu cũng đâu mấy vui vẻ trước khi cháu đến Chái Nhà Xanh,” Anne nói, rồi điềm tĩnh nhìn ra ngoài cửa sổ ngắm vẻ đẹp chết u buồn tĩnh lặng của những bóng cây trụi lá trên nền tuyết trắng.
“Có lẽ thế… nhưng đấy chỉ là nỗi bất hạnh thông thường của một đứa trẻ không có ai chăm sóc tử tế. Chưa có bi kịch nào trong đời cháu, cháu Blythe ạ. Còn đời con bé Leslie tội nghiệp thì toàn bộ là bi kịch. Ta nghĩ, nó cảm thấy, mặc dù có thể nó không biết là nó cảm thấy như vậy, rằng có rất nhiều thứ trong đời nó mà cháu không thể bước vô cũng như không thể hiểu... vậy nên nó phải chặn cháu khỏi đời nó... đại để là ngăn cho cháu không làm đau nó. Cháu biết kiểu khi ta có chỗ nào đau là ta bèn rụt lại không cho ai mó vào hay tới gần đó. Tâm hồn cũng vậy mà thể xác cũng thế, ta nghĩ vậy. Tâm hồn của Leslie chắc gần như tan nát rồi... cũng chẳng có chi là lạ khi nó giấu tâm hồn nó đi.”
“Nếu chỉ có thế thôi thì cháu chẳng phiền gì đâu, thuyền trưởng Jim ạ. Cháu sẽ hiểu. Nhưng có những lúc... không phải lúc nào cũng thế, nhưng thỉnh thoảng... cháu gần như phải tin rằng Leslie không... không thích cháu. Nhiều lúc cháu tình cờ bắt gặp một ánh nhìn trong mắt cô ấy dường như biểu lộ sự oán giận và khinh ghét... thoáng qua thật nhanh thôi... nhưng cháu đã thấy, cháu chắc chắn điều đó. Và điều đó làm cháu đau lòng, thuyền trưởng Jim ạ. Cháu không quen bị ghét... mà cháu thì đã cố gắng biết bao nhiêu để chiếm được tình bạn của Leslie.”
“Cháu đã chiếm được tình bạn của nó, cháu Blythe ạ. Đừng có mà lăn tăn với cái ý nghĩ rằng Leslie không thích cháu. Nếu không thích nó sẽ chẳng bao giờ thèm dính dáng gì đến cháu đâu, chứ đừng nói đến bầu bạn với cháu như bây giờ. Ta biết Leslie Moore quá rõ nên chẳng nghi ngờ gì về điều đó.”
“Lần đầu tiên cháu nhìn thấy cô ấy, đang lùa ngỗng xuống đồi cái ngày cháu đến Bốn Làn Gió, cô ấy cũng nhìn cháu với cái vẻ mặt ấy,” Anne vẫn khăng khăng. “Cháu đã cảm thấy điều đó, ngay cả trong cơn ngưỡng mộ vẻ đẹp của cô ấy. Cô ấy nhìn cháu với vẻ oán hận... có mà, thuyền trưởng Jim, đúng thế mà.”
“Sự oán giận có thể là vì một cái gì đó khác, cháu Blythe ạ, và cháu chỉ tình cờ đi ngang qua đúng lúc phải nhận lấy một ít thôi. Leslie đúng là có những lúc rất cau có, tội nghiệp con bé. Ta cũng chẳng trách được nó, khi ta biết những gì nó phải chịu đựng. Ta chẳng biết làm sao chuyện đó lại có thể xảy ra. Anh bác sĩ với ta đã nói rất nhiều về nguồn gốc của tội lỗi, nhưng chúng ta chưa hiểu ra hết được. Có vô số điều không thể hiểu được trong cuộc sống, phải không nào, cháu Blythe? Nhiều lúc mọi chuyện dường như kết cục rất đàng hoàng, giống như cháu với anh bác sĩ. Rồi có những lúc mọi thứ cứ lung tung beng hết cả lên. Này là Leslie, quá thông minh xinh đẹp tưởng phải sinh ra làm nữ hoàng, vậy mà lại bị nhốt vô cái chuồng đằng kia, bị tước mất gần như tất cả mọi thứ mà một người phụ nữ trân trọng, chẳng có chút triển vọng tương lai nào ngoại trừ việc phục dịch Dick Moore suốt đời. Mặc dù, nói cho cháu nhớ nhé cháu Blythe, ta dám nói con bé thà chọn cuộc sống của nó bây giờ, dù tệ như thế đấy, còn hơn cuộc sống nó từng có với Dick trước khi thằng đó ra đi. Đấy là một chuyện mà cái lưỡi thủy thủ già lọm khọm của ta không nên đá đưa vào. Nhưng cháu đã giúp đỡ Leslie rất nhiều... nó là một con người khác từ khi cháu đến Bốn Làn Gió. Bọn bạn bè cũ chúng ta thấy sự thay đổi ở nó, mà cháu không thấy được. Cô Cornelia và ta mới nói chuyện bữa trước, và đấy là một trong số hiếm hoi những điều ta với cổ đồng quan điểm với nhau. Vậy nên cháu vứt béng mấy cái ý nghĩ là nó không thích cháu đi nhé.”
Anne khó lòng có thể hoàn toàn vứt bỏ được nó, vì không nghi ngờ gì nữa, có những lúc cô cảm thấy, với một bản năng không thể bị lý lẽ khuất phục, rằng Leslie nung nấu một nỗi oán giận kỳ quặc, không thể gọi tên, dành cho cô. Có những lúc, ý thức bí mật về điều này làm lu mờ niềm vui trong tình bạn của hai người; những lúc khác nó gần như bị quên đi; nhưng Anne luôn cảm thấy cái gai bị che giấu vẫn ở đó, và sẽ đâm cô bất cứ giây phút nào. Cô bị đâm một cú cay đắng vào cái ngày cô nói với Leslie về điều mà cô hy vọng mùa xuân sẽ mang về cho căn nhà mơ ước nhỏ. Leslie nhìn cô với đôi mắt khổ sở, cay đắng, thù địch.
“Vậy là cô sắp có được cả cái đó nữa,” cô nói bằng một giọng như uất nghẹn. Và không nói thêm một lời nào nữa, cô quay lưng và băng đồng về nhà. Anne bị tổn thương sâu sắc; trong phút chốc cô thấy như mình không bao giờ có thể thích Leslie lại được nữa. Nhưng khi Leslie ghé qua một vài đêm sau đó, cô thật dễ chịu, thật thân thiện, thật thẳng thắn và thông minh, và thật thu phục lòng người, đến độ Anne bị quyến rũ vào lãng quên và tha thứ. Chỉ có điều, cô không bao giờ nhắc lại với Leslie về niềm hy vọng yêu dấu của mình nữa; mà Leslie cũng không bao giờ nhắc tới. Nhưng một buổi tối, khi đông tàn đang lắng nghe tiếng gọi của mùa xuân, cô ghé qua căn nhà nhỏ để chuyện trò lúc sẩm tối; và khi đi cô để lại một chiếc hộp nhỏ màu trắng trên bàn. Anne tìm thấy nó sau khi Leslie đã đi và ngạc nhiên mở ra. Trong chiếc hộp là một bộ váy màu trắng nhỏ xíu được làm thủ công cực kỳ tinh xảo… những đường thêu tinh tế, diềm xếp tuyệt vời, đáng yêu kinh khủng. Mỗi đường chỉ trong đó đều may bằng tay, và những đường diềm ở cổ và cánh tay là bằng đăng ten Valenciennes thứ thiệt. Nằm trên chiếc váy là một tấm thiếp... “với tình yêu của Leslie”.
“Cô ấy hẳn đã phải bỏ vào đó bao nhiêu là giờ lao động,” Anne nói. “Và nguyên liệu hẳn đã tốn hơn mức cô ấy thực sự đủ khả năng chi trả. Cô ấy mới ngọt ngào làm sao.”
Nhưng Leslie lại tỏ ra thô lỗ và cộc lốc khi Anne cảm ơn cô, và một lần nữa Anne lại thấy như bị giội gáo nước lạnh.
Món quà của Leslie không đơn độc trong căn nhà nhỏ. Cô Cornelia đã tạm thời từ bỏ việc thêu may cho những đứa bé thứ tám không được mong muốn, không được trông chờ, mà chuyển sang thêu may cho một đứa bé đầu lòng hết sức được trông đợi, một đứa bé mà sự có mặt sẽ khiến mọi mong ước đều đủ đầy. Philippa Blake và Diana Wright mỗi người gửi một món quần áo tuyệt vời; và bà Rachel Lynde gửi tới vài cái, trong đó chất liệu tốt và những đường chỉ thật thà thay thế cho thêu thùa và bèo nhún. Bản thân Anne cũng may thật nhiều, không bị chút máy móc nào làm mất đi tính thiêng liêng, dành vào đó những giờ hạnh phúc nhất của một mùa đông hạnh phúc.
Thuyền trưởng Jim là vị khách thường xuyên nhất của căn nhà nhỏ, và không ai có thể được đón chào hơn thế. Mỗi ngày Anne lại yêu quý người thủy thủ già có tâm hồn giản dị và trái tim chân thành nhiều hơn. Ông tươi mới như cơn gió biển, thú vị như một cuốn biên niên ký cổ xưa. Cô chẳng bao giờ chán nghe những câu chuyện của ông, và những nhận xét bình luận sắc sảo của ông là một niềm vui không bao giờ cạn với cô. Thuyền trưởng Jim là một trong những người hiếm có và thú vị “không bao giờ cất lời mà không nói một điều gì đặc biệt”. Dòng sữa của lòng nhân ái và sự thông tuệ của loài mãng xà hòa trộn trong con người ông theo những tỉ lệ khiến người ta say mê.
Có vẻ như chẳng có điều gì làm thuyền trưởng Jim mất hứng hay khiến ông u buồn theo bất cứ cách gì.
“Đại để ta đã nhiễm phải một thói quen là phải tận hưởng mọi thứ,” một lần nọ ông nói, khi Anne nhận xét về sự phấn khởi bất biến nơi ông. “Bệnh kinh niên tới mức ta tin là ta thậm chí còn thích thú cả những thứ khó chịu. Thiệt vui khi nghĩ là chúng không thể kéo dài lâu được. ‘Bạn già thấp khớp,’ ta nói, khi lão túm chặt lấy ta, ‘rồi sẽ có lúc lão phải hết đau thôi. Đau càng nặng thì hết càng nhanh, chắc thế. Kiểu gì ta cũng vượt mặt lão về lâu về dài, dù ở trong hay ngoài cái thân ta.’”
Một đêm nọ, bên lò sưởi ngọn đèn Anne nhìn thấy “cuốn sách cuộc đời” của thuyền trưởng Jim. Ông chẳng cần ai dụ dỗ để mang nó ra và tự hào đưa nó cho cô đọc.
“Ta viết viết cốt để lại cho thằng nhóc Joe,” ông nói. “Ta không thích chuyện mọi thứ ta làm và thấy bị quên sạch bách sau khi ta dong buồm đi chuyến cuối. Joe, nó sẽ nhớ, và kể chuyện lại cho đám con cái của nó.”
Đấy là một cuốn sách bìa da cũ đầy những ghi chép về các hải trình và những cuộc phiêu lưu của ông. Anne nghĩ cuốn sách này với một nhà văn hẳn phải là một kho báu. Mỗi câu là một cục vàng. Bản thân cuốn sách không có chút giá trị văn học gì; sức quyến rũ trong kể chuyện của thuyền trưởng Jim rời bỏ ông khi ông sờ vào giấy mực; ông chỉ có thể ghi chép sơ sài phác thảo những câu chuyện nổi danh của mình, và cả chính tả lẫn ngữ pháp đều lệch lạc một cách đáng buồn. Nhưng Anne cảm thấy rằng nếu một kẻ có tài có thể mang những ghi chép giản dị đó về một cuộc đời dũng cảm, đầy phiêu lưu, đọc ra từ những dòng chữ trần trụi đó những câu chuyện về các mối hiểm nguy được vững vàng đối mặt và những nhiệm vụ được táo bạo hoàn thành, thì biết đâu một câu chuyện tuyệt vời sẽ được viết nên từ đó. Khiếu hài hước dồi dào và những bi kịch nhói lòng đều nằm ẩn giấu trong “cuốn sách cuộc đời” của thuyền trưởng Jim, chờ được một bàn tay bậc thầy chạm tới để đánh thức tiếng cười, nỗi buồn và lòng hãi sợ của hàng ngàn người.
Anne nói điều này với Gilbert khi họ đi bộ về nhà. “Sao em không thử sức với nó đi, Anne?”
Anne lắc đầu.
“Không. Em chỉ ước giá mà em làm được. Nhưng nó không nằm trong khả năng của em. Anh biết sở trường của em mà, Gilbert..., chuyện tưởng tượng, chuyện thần tiên, chuyện đẹp đẽ. Để viết cuốn sách cuộc đời của thuyền trưởng Jim như nó đáng được viết thì ta phải là một bậc thầy với phong cách mãnh liệt nhưng tinh tế, một nhà tâm lý học sâu sắc, một nhà trào phúng đồng thời là một nhà bi kịch bẩm sinh. Một sự kết hợp tài năng hiếm gặp. Paul có thể sẽ làm được khi nó lớn hơn. Dù sao thì em cũng sẽ rủ nó xuống đây mùa hè tới và gặp thuyền trưởng Jim.”
“Đến bờ biển này đi,” Anne viết cho Paul. “Cô e rằng em sẽ không gặp ở đây Nora hay Nữ Thần Vàng hay Những Thủy Thủ Song Sinh; nhưng em sẽ tìm thấy một người thủy thủ già có thể kể cho em nghe những câu chuyện tuyệt vời.”
Tuy nhiên, Paul hồi đáp, nói rằng thật tiếc năm nay cậu không thể đến được. Cậu sắp đi ra nước ngoài du học hai năm.
“Khi về em sẽ đến Bốn Làn Gió, cô giáo thân yêu ạ,” cậu viết.
“Nhưng trong lúc này, thuyền trưởng Jim đang già đi,” Anne rầu rĩ nói, “và chẳng có ai để viết cuốn sách cuộc đời của ông.”
“Con Bạn Đầu và ta sẽ chẳng có việc gì để làm cho đến mùa xuân trừ giữ ấm và mua vui cho nhau. Người gác đèn tiền nhiệm cứ đến mùa đông là lại chuyển lên sống trên Glen; nhưng ta thích ở lại ngọn đèn hơn. Con Bạn Đầu dám bị đánh bả hoặc bị lũ chó trên Glen nhai xương lắm. Cũng hơi cô đơn một tẹo, chắc chắn rồi, chẳng có đèn mà cũng chẳng có mặt nước làm bầu bạn, nhưng nếu bạn bè vẫn đến thăm ta thì chúng ta sẽ trụ được qua mùa đông.”
Thuyền trưởng Jim có một con tàu đi trên băng, và Gilbert và Anne và Leslie đã có với nhau nhiều thật nhiều những chuyến du ngoạn rồ dại và thống khoái trên mặt vịnh đóng băng trơn láng cùng ông. Anne và Leslie cũng cùng nhau lang thang thật xa bằng giày tuyết, qua những cánh đồng, hay ngang qua mặt cảng sau những cơn bão, hoặc xuyên rừng ra bên ngoài Glen. Họ là những đồng chí rất tốt của nhau trong những chuyến phiêu du và những cuộc quần quây quanh ngọn lửa. Mỗi người đều có điều gì đó để trao tặng cho người kia... mỗi người đều thấy cuộc đời giàu có hơn sau những sẻ chia suy tư thân thiết hay sự im lặng thân ái; mỗi người đều đưa mắt nhìn qua những cánh đồng tuyết trắng giữa hai nhà với ý thức dễ chịu về một người bạn đang có mặt ở bên kia. Nhưng, sau tất cả những điều này, Anne cảm thấy vẫn luôn có một rào cản giữa Leslie và bản thân cô... một sự gượng gạo chẳng bao giờ hoàn toàn biến mất.
“Cháu không hiểu vì sao cháu không thể đến gần cô ấy hơn được,” một tối nọ Anne nói với thuyền trưởng Jim. “Cháu thích cô ấy lắm... cháu ngưỡng mộ cô ấy lắm... cháu muốn ôm trọn cô ấy vào tim cháu và chui thẳng vào tim cô ấy. Nhưng cháu chẳng bao giờ vượt qua được rào cản đó.”
“Cả đời cháu đã quá hạnh phúc, cháu Blythe ạ,” thuyền trưởng Jim trầm ngâm nói. “Ta nghĩ đấy là lý do vì sao cháu và Leslie không thể thật sự gần gũi nhau trọng tâm hồn được. Rào cản giữa hai đứa là trải nghiệm đau thương và bất an của con bé đó. Nó không chịu trách nhiệm cho việc đó và cháu cũng thế, nhưng trải nghiệm đó vẫn ở đó và hai đứa không tài nào vượt qua được.”
“Tuổi thơ của cháu cũng đâu mấy vui vẻ trước khi cháu đến Chái Nhà Xanh,” Anne nói, rồi điềm tĩnh nhìn ra ngoài cửa sổ ngắm vẻ đẹp chết u buồn tĩnh lặng của những bóng cây trụi lá trên nền tuyết trắng.
“Có lẽ thế… nhưng đấy chỉ là nỗi bất hạnh thông thường của một đứa trẻ không có ai chăm sóc tử tế. Chưa có bi kịch nào trong đời cháu, cháu Blythe ạ. Còn đời con bé Leslie tội nghiệp thì toàn bộ là bi kịch. Ta nghĩ, nó cảm thấy, mặc dù có thể nó không biết là nó cảm thấy như vậy, rằng có rất nhiều thứ trong đời nó mà cháu không thể bước vô cũng như không thể hiểu... vậy nên nó phải chặn cháu khỏi đời nó... đại để là ngăn cho cháu không làm đau nó. Cháu biết kiểu khi ta có chỗ nào đau là ta bèn rụt lại không cho ai mó vào hay tới gần đó. Tâm hồn cũng vậy mà thể xác cũng thế, ta nghĩ vậy. Tâm hồn của Leslie chắc gần như tan nát rồi... cũng chẳng có chi là lạ khi nó giấu tâm hồn nó đi.”
“Nếu chỉ có thế thôi thì cháu chẳng phiền gì đâu, thuyền trưởng Jim ạ. Cháu sẽ hiểu. Nhưng có những lúc... không phải lúc nào cũng thế, nhưng thỉnh thoảng... cháu gần như phải tin rằng Leslie không... không thích cháu. Nhiều lúc cháu tình cờ bắt gặp một ánh nhìn trong mắt cô ấy dường như biểu lộ sự oán giận và khinh ghét... thoáng qua thật nhanh thôi... nhưng cháu đã thấy, cháu chắc chắn điều đó. Và điều đó làm cháu đau lòng, thuyền trưởng Jim ạ. Cháu không quen bị ghét... mà cháu thì đã cố gắng biết bao nhiêu để chiếm được tình bạn của Leslie.”
“Cháu đã chiếm được tình bạn của nó, cháu Blythe ạ. Đừng có mà lăn tăn với cái ý nghĩ rằng Leslie không thích cháu. Nếu không thích nó sẽ chẳng bao giờ thèm dính dáng gì đến cháu đâu, chứ đừng nói đến bầu bạn với cháu như bây giờ. Ta biết Leslie Moore quá rõ nên chẳng nghi ngờ gì về điều đó.”
“Lần đầu tiên cháu nhìn thấy cô ấy, đang lùa ngỗng xuống đồi cái ngày cháu đến Bốn Làn Gió, cô ấy cũng nhìn cháu với cái vẻ mặt ấy,” Anne vẫn khăng khăng. “Cháu đã cảm thấy điều đó, ngay cả trong cơn ngưỡng mộ vẻ đẹp của cô ấy. Cô ấy nhìn cháu với vẻ oán hận... có mà, thuyền trưởng Jim, đúng thế mà.”
“Sự oán giận có thể là vì một cái gì đó khác, cháu Blythe ạ, và cháu chỉ tình cờ đi ngang qua đúng lúc phải nhận lấy một ít thôi. Leslie đúng là có những lúc rất cau có, tội nghiệp con bé. Ta cũng chẳng trách được nó, khi ta biết những gì nó phải chịu đựng. Ta chẳng biết làm sao chuyện đó lại có thể xảy ra. Anh bác sĩ với ta đã nói rất nhiều về nguồn gốc của tội lỗi, nhưng chúng ta chưa hiểu ra hết được. Có vô số điều không thể hiểu được trong cuộc sống, phải không nào, cháu Blythe? Nhiều lúc mọi chuyện dường như kết cục rất đàng hoàng, giống như cháu với anh bác sĩ. Rồi có những lúc mọi thứ cứ lung tung beng hết cả lên. Này là Leslie, quá thông minh xinh đẹp tưởng phải sinh ra làm nữ hoàng, vậy mà lại bị nhốt vô cái chuồng đằng kia, bị tước mất gần như tất cả mọi thứ mà một người phụ nữ trân trọng, chẳng có chút triển vọng tương lai nào ngoại trừ việc phục dịch Dick Moore suốt đời. Mặc dù, nói cho cháu nhớ nhé cháu Blythe, ta dám nói con bé thà chọn cuộc sống của nó bây giờ, dù tệ như thế đấy, còn hơn cuộc sống nó từng có với Dick trước khi thằng đó ra đi. Đấy là một chuyện mà cái lưỡi thủy thủ già lọm khọm của ta không nên đá đưa vào. Nhưng cháu đã giúp đỡ Leslie rất nhiều... nó là một con người khác từ khi cháu đến Bốn Làn Gió. Bọn bạn bè cũ chúng ta thấy sự thay đổi ở nó, mà cháu không thấy được. Cô Cornelia và ta mới nói chuyện bữa trước, và đấy là một trong số hiếm hoi những điều ta với cổ đồng quan điểm với nhau. Vậy nên cháu vứt béng mấy cái ý nghĩ là nó không thích cháu đi nhé.”
Anne khó lòng có thể hoàn toàn vứt bỏ được nó, vì không nghi ngờ gì nữa, có những lúc cô cảm thấy, với một bản năng không thể bị lý lẽ khuất phục, rằng Leslie nung nấu một nỗi oán giận kỳ quặc, không thể gọi tên, dành cho cô. Có những lúc, ý thức bí mật về điều này làm lu mờ niềm vui trong tình bạn của hai người; những lúc khác nó gần như bị quên đi; nhưng Anne luôn cảm thấy cái gai bị che giấu vẫn ở đó, và sẽ đâm cô bất cứ giây phút nào. Cô bị đâm một cú cay đắng vào cái ngày cô nói với Leslie về điều mà cô hy vọng mùa xuân sẽ mang về cho căn nhà mơ ước nhỏ. Leslie nhìn cô với đôi mắt khổ sở, cay đắng, thù địch.
“Vậy là cô sắp có được cả cái đó nữa,” cô nói bằng một giọng như uất nghẹn. Và không nói thêm một lời nào nữa, cô quay lưng và băng đồng về nhà. Anne bị tổn thương sâu sắc; trong phút chốc cô thấy như mình không bao giờ có thể thích Leslie lại được nữa. Nhưng khi Leslie ghé qua một vài đêm sau đó, cô thật dễ chịu, thật thân thiện, thật thẳng thắn và thông minh, và thật thu phục lòng người, đến độ Anne bị quyến rũ vào lãng quên và tha thứ. Chỉ có điều, cô không bao giờ nhắc lại với Leslie về niềm hy vọng yêu dấu của mình nữa; mà Leslie cũng không bao giờ nhắc tới. Nhưng một buổi tối, khi đông tàn đang lắng nghe tiếng gọi của mùa xuân, cô ghé qua căn nhà nhỏ để chuyện trò lúc sẩm tối; và khi đi cô để lại một chiếc hộp nhỏ màu trắng trên bàn. Anne tìm thấy nó sau khi Leslie đã đi và ngạc nhiên mở ra. Trong chiếc hộp là một bộ váy màu trắng nhỏ xíu được làm thủ công cực kỳ tinh xảo… những đường thêu tinh tế, diềm xếp tuyệt vời, đáng yêu kinh khủng. Mỗi đường chỉ trong đó đều may bằng tay, và những đường diềm ở cổ và cánh tay là bằng đăng ten Valenciennes thứ thiệt. Nằm trên chiếc váy là một tấm thiếp... “với tình yêu của Leslie”.
“Cô ấy hẳn đã phải bỏ vào đó bao nhiêu là giờ lao động,” Anne nói. “Và nguyên liệu hẳn đã tốn hơn mức cô ấy thực sự đủ khả năng chi trả. Cô ấy mới ngọt ngào làm sao.”
Nhưng Leslie lại tỏ ra thô lỗ và cộc lốc khi Anne cảm ơn cô, và một lần nữa Anne lại thấy như bị giội gáo nước lạnh.
Món quà của Leslie không đơn độc trong căn nhà nhỏ. Cô Cornelia đã tạm thời từ bỏ việc thêu may cho những đứa bé thứ tám không được mong muốn, không được trông chờ, mà chuyển sang thêu may cho một đứa bé đầu lòng hết sức được trông đợi, một đứa bé mà sự có mặt sẽ khiến mọi mong ước đều đủ đầy. Philippa Blake và Diana Wright mỗi người gửi một món quần áo tuyệt vời; và bà Rachel Lynde gửi tới vài cái, trong đó chất liệu tốt và những đường chỉ thật thà thay thế cho thêu thùa và bèo nhún. Bản thân Anne cũng may thật nhiều, không bị chút máy móc nào làm mất đi tính thiêng liêng, dành vào đó những giờ hạnh phúc nhất của một mùa đông hạnh phúc.
Thuyền trưởng Jim là vị khách thường xuyên nhất của căn nhà nhỏ, và không ai có thể được đón chào hơn thế. Mỗi ngày Anne lại yêu quý người thủy thủ già có tâm hồn giản dị và trái tim chân thành nhiều hơn. Ông tươi mới như cơn gió biển, thú vị như một cuốn biên niên ký cổ xưa. Cô chẳng bao giờ chán nghe những câu chuyện của ông, và những nhận xét bình luận sắc sảo của ông là một niềm vui không bao giờ cạn với cô. Thuyền trưởng Jim là một trong những người hiếm có và thú vị “không bao giờ cất lời mà không nói một điều gì đặc biệt”. Dòng sữa của lòng nhân ái và sự thông tuệ của loài mãng xà hòa trộn trong con người ông theo những tỉ lệ khiến người ta say mê.
Có vẻ như chẳng có điều gì làm thuyền trưởng Jim mất hứng hay khiến ông u buồn theo bất cứ cách gì.
“Đại để ta đã nhiễm phải một thói quen là phải tận hưởng mọi thứ,” một lần nọ ông nói, khi Anne nhận xét về sự phấn khởi bất biến nơi ông. “Bệnh kinh niên tới mức ta tin là ta thậm chí còn thích thú cả những thứ khó chịu. Thiệt vui khi nghĩ là chúng không thể kéo dài lâu được. ‘Bạn già thấp khớp,’ ta nói, khi lão túm chặt lấy ta, ‘rồi sẽ có lúc lão phải hết đau thôi. Đau càng nặng thì hết càng nhanh, chắc thế. Kiểu gì ta cũng vượt mặt lão về lâu về dài, dù ở trong hay ngoài cái thân ta.’”
Một đêm nọ, bên lò sưởi ngọn đèn Anne nhìn thấy “cuốn sách cuộc đời” của thuyền trưởng Jim. Ông chẳng cần ai dụ dỗ để mang nó ra và tự hào đưa nó cho cô đọc.
“Ta viết viết cốt để lại cho thằng nhóc Joe,” ông nói. “Ta không thích chuyện mọi thứ ta làm và thấy bị quên sạch bách sau khi ta dong buồm đi chuyến cuối. Joe, nó sẽ nhớ, và kể chuyện lại cho đám con cái của nó.”
Đấy là một cuốn sách bìa da cũ đầy những ghi chép về các hải trình và những cuộc phiêu lưu của ông. Anne nghĩ cuốn sách này với một nhà văn hẳn phải là một kho báu. Mỗi câu là một cục vàng. Bản thân cuốn sách không có chút giá trị văn học gì; sức quyến rũ trong kể chuyện của thuyền trưởng Jim rời bỏ ông khi ông sờ vào giấy mực; ông chỉ có thể ghi chép sơ sài phác thảo những câu chuyện nổi danh của mình, và cả chính tả lẫn ngữ pháp đều lệch lạc một cách đáng buồn. Nhưng Anne cảm thấy rằng nếu một kẻ có tài có thể mang những ghi chép giản dị đó về một cuộc đời dũng cảm, đầy phiêu lưu, đọc ra từ những dòng chữ trần trụi đó những câu chuyện về các mối hiểm nguy được vững vàng đối mặt và những nhiệm vụ được táo bạo hoàn thành, thì biết đâu một câu chuyện tuyệt vời sẽ được viết nên từ đó. Khiếu hài hước dồi dào và những bi kịch nhói lòng đều nằm ẩn giấu trong “cuốn sách cuộc đời” của thuyền trưởng Jim, chờ được một bàn tay bậc thầy chạm tới để đánh thức tiếng cười, nỗi buồn và lòng hãi sợ của hàng ngàn người.
Anne nói điều này với Gilbert khi họ đi bộ về nhà. “Sao em không thử sức với nó đi, Anne?”
Anne lắc đầu.
“Không. Em chỉ ước giá mà em làm được. Nhưng nó không nằm trong khả năng của em. Anh biết sở trường của em mà, Gilbert..., chuyện tưởng tượng, chuyện thần tiên, chuyện đẹp đẽ. Để viết cuốn sách cuộc đời của thuyền trưởng Jim như nó đáng được viết thì ta phải là một bậc thầy với phong cách mãnh liệt nhưng tinh tế, một nhà tâm lý học sâu sắc, một nhà trào phúng đồng thời là một nhà bi kịch bẩm sinh. Một sự kết hợp tài năng hiếm gặp. Paul có thể sẽ làm được khi nó lớn hơn. Dù sao thì em cũng sẽ rủ nó xuống đây mùa hè tới và gặp thuyền trưởng Jim.”
“Đến bờ biển này đi,” Anne viết cho Paul. “Cô e rằng em sẽ không gặp ở đây Nora hay Nữ Thần Vàng hay Những Thủy Thủ Song Sinh; nhưng em sẽ tìm thấy một người thủy thủ già có thể kể cho em nghe những câu chuyện tuyệt vời.”
Tuy nhiên, Paul hồi đáp, nói rằng thật tiếc năm nay cậu không thể đến được. Cậu sắp đi ra nước ngoài du học hai năm.
“Khi về em sẽ đến Bốn Làn Gió, cô giáo thân yêu ạ,” cậu viết.
“Nhưng trong lúc này, thuyền trưởng Jim đang già đi,” Anne rầu rĩ nói, “và chẳng có ai để viết cuốn sách cuộc đời của ông.”